Biết bơi vẫn có thể gặp nạn
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PC07, Công an TP.HCM), cho biết hằng năm TP.HCM xảy ra hàng trăm vụ đuối nước, nhiều nhất là vào mùa hè do các em học sinh (HS) được nghỉ hè, nắng nóng nên thường tìm đến khu vực sông hồ chơi hoặc tắm cho mát. “Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ em. Trong giai đoạn 2015 - 2020, nước ta mỗi năm có trung bình khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội”, đại tá Tâm thông tin.
Theo anh Lê Hoàng Khánh, vận động viên bơi lội từng đoạt nhiều huy chương của tỉnh Bình Dương, đồng thời là thầy dạy bơi, tình trạng trẻ nhỏ đuối nước ngày càng nhiều, nguyên nhân là các trường học hiện nay chưa phổ cập môn bơi cho HS, nhất là vùng nông thôn. Ngay cả trẻ biết bơi cũng vẫn có thể bị đuối nước do chủ quan. Thực tế, trẻ biết bơi nếu gặp nước xiết hoặc bị chuột rút, căng cơ, hoặc cứu người khác đang đuối nước không đúng cách cũng có thể bị chìm.
Từng là giáo viên dạy bơi nhiều năm tại TP.HCM sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, nhưng năm vừa rồi, anh Lâm Văn Lý đã quyết định về quê ở Bình Thuận để mở lớp dạy bơi. Theo anh Lý, kỹ năng sống cho trẻ có rất nhiều, nhưng bơi lội và đặc biệt kỹ năng phòng chống đuối nước là cực kỳ quan trọng.
Theo các giáo viên dạy bơi, chỉ biết bơi là chưa đủ mà cần phải rèn luyện cho các bé nhiều kỹ năng về phòng chống đuối nước |
NHẬT THỊNH |
Đừng quên những kỹ năng phòng chống đuối nước
“Bơi không thì chưa đủ, trẻ muốn bảo vệ chính mình thì phải được học về kỹ năng phòng chống đuối nước. Biết bơi là một chuyện, nhưng để bé bơi an toàn được thì đòi hỏi rất nhiều kỹ năng”, anh Lý khẳng định và cho biết chẳng hạn phải trang bị cho các bé kỹ năng xử lý các tai nạn trong môi trường nước để khi gặp nước sâu, hoặc bị chuột rút… mà không thể bơi được thì vẫn biết cách để xử lý.
Tương tự, anh Lê Khang, giáo viên dạy bơi tại Q.Bình Tân (TP.HCM), đồng thời từng dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho HS tại các trường ở TP.HCM, khẳng định: “Chỉ cần dạy cho các bé kỹ năng bơi lội cơ bản, không cần phải luyện tập như vận động viên nhưng nhất thiết phải hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng về phòng chống đuối nước”.
Theo anh Khang, yếu tố tiên quyết là phải rèn được cho trẻ sự tự tin trong môi trường nước. “Tự tin thì mới không bị hoảng loạn khi gặp các sự cố, từ đó mới có thể tự cứu bản thân. Nếu một đứa trẻ quá nhút nhát, sợ nước và không tự tin thì làm sao có thể tự xử lý được các tình huống trong lúc nguy cấp”, anh Khang nhấn mạnh.
Điều đặc biệt, theo anh Khang, trẻ bị đuối nước nhiều là do thường không chú ý đến việc khởi động và các vấn đề sức khỏe. Có những người tiền sử bị tim, hen suyễn… khi đến hồ bơi không tuân thủ quy định khởi động làm nóng người, không để ý là nước đang lạnh, nhảy xuống hồ bơi và làm bệnh tim tái phát. Vì thế, đi bơi thì phải khởi động trước để tránh trường hợp xuống nước bị căng cơ, chuột rút… cũng là những nguyên nhân gây đuối nước.
“Cha mẹ cần chú ý đến vấn đề sức khỏe của con, như các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ hay tiền sử về động kinh, tụt canxi… thì nên chú ý và dặn dò con khi xuống môi trường nước. Đừng quá chủ quan khi con mình đã biết bơi, trẻ nhỏ chưa có ý thức được nhiều nên khi cho con đi chơi, du lịch ở hồ bơi, sông suối…, luôn cần sự theo sát của phụ huynh”, anh Khang lưu ý.
HLV Kiều Oanh của Trung tâm bơi lội Yết Kiêu (TP.HCM) hướng dẫn từng động tác bơi cho trẻ trước khi xuống hồ |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Phải mặc áo phao khi xuống nước
Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, người lớn và trẻ nhỏ đều cần trang bị kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Khi tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào, trẻ cũng phải mặc áo phao dù biết bơi hay không. Nếu không may trẻ bị đuối nước, nếu người lớn không biết bơi thì cần tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho trẻ bám vào, đồng thời hô hoán để tìm người ứng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi, vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, cả người cứu nạn.
Ngay cả trẻ biết bơi, anh Lê Hoàng Khánh vẫn lưu ý trẻ cần được trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước. “Khi bơi ở ao hồ, sông suối, đặt trường hợp không mặc áo phao, gặp dòng nước chảy xiết, trẻ biết bơi cũng cần phải bình tĩnh, không được hoảng loạn. Cứ nhẹ nhàng giữ người làm nổi (đứng nước), sau đó bơi di chuyển nhẹ nhàng đến gần bờ, hoặc gần chỗ nào có thể bám người vào cho an toàn. Tuyệt đối không bơi ngược chiều gây kiệt sức”, anh Khánh đưa ra lời khuyên.
Khu vực học sinh lớp 3 đuối nước thương tâm tại H.Bù Đăng (Bình Phước) ngày 2.5 |
Hoàng Giáp |
Trong trường hợp đi một nhóm, trẻ này cứu trẻ kia bị ngã xuống nước, theo anh Khánh, trẻ biết bơi không được tiếp xúc ngay với nạn nhân mà trước tiên phải giữ khoảng cách để nhìn nhận tình hình chỗ nước đó sâu hay nông, có dòng xoáy hay không. Sau đó bơi vòng ra phía sau lưng nạn nhân, choàng tay qua người và dùng các ngón tay tiếp xúc với cằm của nạn nhân, tạo cho nạn nhân thế nằm ngửa. Như vậy sẽ tránh được tình huống nạn nhân hoảng loạn đu bám khiến trẻ biết bơi cũng chìm theo.
Cách xử lý khi gặp tai nạn trong môi trường nước
Theo anh Lâm Văn Lý, khi gặp dòng nước chảy xiết, hoặc bị xoáy cuốn thì việc đầu tiên các bé phải xác định được khu vực an toàn. Và nằm nổi, thả lỏng hoặc thực hiện luân phiên giữa bơi ngửa, bơi ếch để có thể bơi lại khu vực an toàn (bờ, phao, hoặc nơi có người đến cứu).
Anh Lê Khang cho biết thường ở sông hoặc biển sẽ gặp các trường hợp dòng nước xoáy hút mình xuống, trong trường hợp này nếu càng cố bơi ngược ra sẽ càng bị hút vào lại và bị mất sức. Nên cần cố gắng lấy hơi, lặn xuống theo dòng nước xoáy đó và sau đó nó sẽ đẩy mình ra một vùng nước khác, khi đã ra được khỏi dòng xoáy thì sẽ bơi lên dễ dàng hơn.
“Trong quá trình dạy bơi, mình không bao giờ bắt các bé phải bơi nhanh, mà cứ bơi từ từ. Sau này ra ngoài bơi, gặp một vấn đề gì đó, bạn nào bơi càng chậm thì càng thắng và càng được sống. Người bơi chậm mà bơi được 100 m vẫn hơn những bạn bơi nhanh mà mới được khoảng 50 m đã đuối sức”, anh Khang đặc biệt lưu ý.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)