Báo động tai nạn đuối nước ở trẻ em

04/05/2022 07:34 GMT+7

Chỉ trong vòng nửa tháng, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.2022 đã xảy ra nhiều vụ đuối nước khiến nhiều người tử vong, trong đó nạn nhân tập trung vào lứa tuổi học sinh.

Đây là thực trạng đáng báo động trong công tác chăm sóc trẻ em và phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ.

Hơn 20 văn bản chỉ đạo nhưng “phổ cập bơi” vẫn trên giấy

Đến năm 2021, theo thống kê của Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) thực trạng cơ sở vật chất tại các trường học, đặc biệt là bể bơi, rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy bơi trong nhà trường.

Hàng trăm người dân tìm kiếm 5 học sinh đuối nước ở H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ngày 4.4

MINH HẢI

Theo thống kê, tại các trường THCS chỉ có 227 bể bơi/10.000 trường, ở cấp THPT chỉ 108 bể bơi/2.649 trường. Kể cả đã có bể bơi tại trường học rồi, việc duy trì, bảo vệ, vận hành cũng rất khó khăn. Các trường tư thục có thể duy trì khá tốt công tác này, nhưng với các trường công lập, kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành bể bơi khá eo hẹp.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Giáo dục thể chất, thực hiện Quyết định 234, Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai nhằm giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn khi tham gia bơi, lội. Bộ cũng hướng dẫn các địa phương, đơn vị, trường học đã có bể bơi chủ động tổ chức dạy bơi, hướng dẫn các trường học liên kết với các trung tâm thể dục thể thao, các bể bơi trên địa bàn tổ chức dạy cho trẻ em, học sinh (HS) về kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước và thực hành cứu đuối an toàn.

Vấn đề cần phải “phổ cập bơi” cho HS đã đặt ra từ nhiều năm qua nhưng cứ mỗi mùa hè, khi tình trạng trẻ em đuối nước xảy ra liên tục thì việc này lại được đưa ra bàn luận. Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang từng đề nghị, ngành giáo dục cần có kế hoạch dạy bơi cho các em trong các trường học và định hướng bổ sung môn bơi lội vào chương trình học chính thức từ bậc tiểu học.

Liên tiếp xảy ra nhiều tai nạn thương tâm

Từ đầu năm đến ngày 30.4, chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 19 vụ đuối nước, gây tử vong 25 trẻ em.

Lúc 16 giờ ngày 1.5 tại bãi biển Thiện Chánh (P.Tam Quan Bắc, TX.Hoài Nhơn, Bình Định), 3 người từ 14 - 24 tuổi bị sóng cuốn ra xa dẫn đến đuối nước.

Trước đó, một học sinh 18 tuổi ở H.Đắk Mil (Đắk Nông) nhảy xuống sông để tắm và đuối nước.

Lúc 12 giờ ngày 1.5, nhóm học sinh ở Bình Phước không may bị đuối nước khiến 4 em tử vong.

Ngày 29.4, xảy ra vụ đuối nước khiến 2 nữ sinh ở xã Giang Điền, H.Trảng Bom, Đồng Nai tử vong.

Chiều 26.4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra vụ đuối nước khiến 2 HS tử vong tại kênh thủy lợi. Trước đó cũng ở Quảng Trị, một HS lớp 7 (xã Gio Việt, H.Gio Linh) cũng tử vong do bị đuối nước.

Chiều 25.4, ở xã Nghĩa Lộc, H.Nghĩa Đàn, Nghệ An xảy ra một vụ đuối nước khiến 4 nữ sinh lớp 8 tử vong.

Minh Hải - An Yên

Trả lời đề xuất này, Bộ GD-ĐT cho rằng: Để phòng, chống tai nạn đuối nước cho HS, Bộ GD-ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16.5.2016 tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho HS, trẻ em. Về việc triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho biết khá chung chung: “Việc đưa môn bơi vào dạy trong trường học (cả trong giờ học thể dục chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp) đã được Bộ chỉ đạo, ban hành kế hoạch, văn bản triển khai trong toàn bộ hệ thống trường học của các cấp học trên cả nước. Trong đó, Bộ khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho HS. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bơi là môn học tự chọn được triển khai phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các địa phương, nhà trường”.

“Trẻ vừa xuống hồ bơi, cha mẹ dán mắt vào điện thoại”

Thiếu tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, PC07, Công an TP.HCM, người có hơn 20 năm làm nhiệm vụ, không nhớ xuể bao nhiêu vụ trẻ em bị tai nạn thương tâm mà anh và các đồng đội cứu hộ cứu nạn.

Thiếu tá Thành cũng cho hay trước đây khi có chỉ thị của Thủ tướng về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, UBND TP.HCM đã xây dựng kế hoạch, giao cho 21 quận huyện, các sở ban ngành cùng xây dựng kế hoạch, hè đến là dạy bơi cho trẻ em. Việc này đã được các quận huyện triển khai tích cực, tuy nhiên, số lượng trẻ em biết bơi vẫn thấp. Việc dạy bơi đã được triển khai trong trường học nhưng thực tế khả năng các cháu biết bơi chưa đồng đều.

“Vào mùa hè, trẻ em thường thích nước. Phụ huynh cho con đi du lịch, về nơi có ao hồ. Đuối nước có thể xảy ra khi trẻ không biết bơi, người lớn không trông coi. Nhiều trường hợp các cháu tự ý đi chơi, một bạn bị đuối nước, các bạn khác chạy tới cứu rồi mất sức, dẫn tới 5 - 6 bạn cùng bị chết”, thiếu tá Thành nói.

Theo thiếu tá Thành, ngay cả các em biết bơi cũng có thể bị đuối nước. Tình trạng xảy ra khi trẻ em đi bơi không có người lớn trông coi, trẻ đuối sức cũng có thể dẫn tới đuối nước.

Rất nhiều vụ đuối nước xảy ra do chủ quan. Cha mẹ nghĩ con biết bơi thì mặc sức để con bơi, không ngờ tới việc con bơi quá sức mà bị mỏi, chuột rút, ngạt nước.

“Bước vào nhiều bể bơi, bạn có thể thấy nhiều cha mẹ khi con vừa bước xuống bể thì cha mẹ cũng mở điện thoại ra và dán mắt vào đó, say mê chơi điện tử không để ý gì tới con. Không thể ỷ y hết cho thầy giáo được. Con mình thì mình phải giám sát, bảo vệ cho con”, thiếu tá Thành nói.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Trước thực trạng nhiều địa phương xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Thủ tướng yêu cầu các bộ LĐ-TB-XH, VH-TT-DL, GD-ĐT, TT-TT, T.Ư Đoàn theo chức năng, nhiệm vụ của ngành quản lý đẩy mạnh các hoạt động, công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức, phối hợp giữa các ngành, các tổ chức, đặc biệt là Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức, các thành viên Ban bảo vệ trẻ em cấp xã, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn cho trẻ em nhất là đuối nước. Tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước...) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở...); chỉ đạo tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục; tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, HS và cộng đồng dân cư; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương…

Minh Hải

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.