Nhiều vụ học sinh đuối nước trong những ngày qua đang một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng đuối nước ở lứa tuổi này mỗi dịp hè về.
Hồ nước (xóm Tân Hữu, xã Nghĩa Lộc, H.Nghĩa Đàn, Nghệ An), nơi 4 nữ sinh bị đuối nước vào gần cuối tháng 4 vừa qua |
ctv |
Có thể xảy ra bất cứ địa bàn nào, thành thị hay nông thôn
Thực tế cho thấy, tai nạn do đuối nước có thể xảy ra bất cứ địa bàn nào, thành thị hay nông thôn và ở mọi địa hình như ao hồ, kênh mương cho đến sông suối, bãi biển… Trong đó, không ít vụ xảy ra chính từ sự chủ quan của trẻ em lẫn sự thiếu quan tâm của người lớn.
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), hằng năm trên cả nước có hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Tai nạn đuối nước thường xảy ra khi trẻ không biết bơi, trượt té xuống các ao, kênh rạch ở vùng quê. Hoặc có nhiều trẻ chủ động đi bơi vùng ao, kênh, rạch mà gia đình không quản lý được.
Tại các đô thị lớn, phụ huynh thường cho con đi hồ bơi. Dù có cứu hộ nhưng số lượng trẻ đông không thể nào quan sát tỉ mỉ được từng bé. Nhiều trường hợp trẻ đi bơi, có người nhà bên cạnh nhưng chỉ cần sơ suất không để ý khoảng vài phút, quay lại thì trẻ đã bị chìm và chết đuối. Hơn thế nữa, các hồ bơi công cộng ở chung cư hiện rất phổ biến. Những nơi này thường có bảo vệ chung chứ không có người cứu hộ, vì vậy cha mẹ nên chú ý không cho trẻ xuống hồ bơi một mình, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khi ở nhà, trẻ cũng có nguy cơ đuối nước, đặc biệt là trẻ mới chập chững biết đi. Do trong nhà thường có thau, lu, chậu chứa nước, mùa nắng nóng trẻ thích nghịch và trượt chúi đầu vào những nơi này, không thoát ra được. Phụ huynh nên đậy các chỗ chứa nước này lại, quan sát trẻ và không cho trẻ vào nơi chứa nước một mình.
Người dân và người thân tìm kiếm tung tích các trẻ bị đuối nước trên sông Mã (TT.Phong Sơn, H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) vào 23.4 |
p.n |
Bơi giỏi cũng bị đuối nước vì thiếu kỹ năng
Về nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm, nhiều chuyên gia giáo dục thể chất cho rằng có thể không phải vì các em không biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng lại không được trang bị kỹ năng mềm trong phòng tránh đuối nước nên khi gặp vùng nước nguy hiểm đã không thể xử lý tình huống. Việc tập luyện kỹ năng bơi lội, trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước khi gặp nạn nhân bị đuối nước, biết cách sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy đối với học sinh là cực kỳ cần thiết. Đây cần được xem là việc làm thường xuyên, liên tục.
Vấn đề phổ cập bơi cho học sinh các cấp đã được đưa vào nội dung chính khóa của các trường từ nhiều năm nay nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Khó khăn lớn nhất vẫn là cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng hết cho toàn bộ học sinh trong độ tuổi cần phổ cập, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Không ít học sinh dù đã học xong, được xem là đã hoàn thành khóa phổ cập nhưng vẫn không biết bơi.
Theo Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, đuối nước đang là tai nạn gây tử vong cho trẻ em nhiều nhất tại Việt Nam. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em đuối nước, xảy ra chủ yếu vào thời gian trẻ nghỉ hè. Điều này trở thành nỗi đau và sự quan tâm không chỉ của gia đình mà của toàn xã hội.
33% số vụ tai nạn đuối nước trẻ em do thiếu đi sự giám sát của người lớn
Báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, 33% số vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra do thiếu đi sự giám sát của người lớn. Việc chủ quan của bố mẹ khi để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa rất dễ dẫn tới hậu quả đau lòng. Để phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em, ngoài việc tập trung giảng dạy kỹ năng môn bơi lội còn cần tới sự giám sát hơn nữa từ phía gia đình.
Cắm biển cảnh báo nguy hiểm ven sông Lam ở Nghệ An |
K.H |
Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác; đồng thời tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước; có chiến dịch tuyên truyền về tai nạn đuối nước ở trẻ, nhất là về những vùng nông thôn, vùng núi nơi nhiều mặt nước hở tự nhiên, có các thủy điện… giúp cho trẻ em có những kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước, về tầm quan trọng của việc học bơi; cách thức xử lý khi bị đuối nước và cả kỹ năng cứu người đuối nước…
Bình luận (0)