Báo Thanh Niên hôm 7.5 có bài viết "Học sinh làm văn miêu tả cây chuối mà chưa từng thấy cây chuối!". Theo bài báo, cứ trước khi vào đợt kiểm tra định kỳ, có thể do áp lực về thành tích thi đua mà một số giáo viên, nhất là cấp tiểu học, đã chủ động soạn bài mẫu môn tập làm văn cho học sinh (HS) học thuộc lòng.
Tác giả bài báo viết: Năm nay, do nghỉ lễ 30.4 và 1.5 dài ngày, bạn tôi trong nội thành TP.HCM đưa cả gia đình lên nhà tôi ở Củ Chi chơi. Cháu của bạn tôi là con trai nên rất hiếu động, lăng xăng chạy khắp nơi trong vườn, thấy cây gì, con gì cũng hỏi... Bất chợt nó quay sang tôi hỏi: "Ông ơi, nhà ông có trồng cây chuối không, chút nữa ông dắt cháu ra xem nghen!". Tôi ngạc nhiên tưởng cháu không thấy mấy bụi chuối kế bên hàng cây chôm chôm lúc nãy tôi hái cho cháu ăn, nhưng cậu bé nói thật con chưa thấy và biết cây chuối bao giờ. Tôi nói: "Nhà ông có trồng chuối nhiều lắm, một chút nữa ông dắt cháu ra xem cây chuối đang trổ buồng". Như hẹn, khi cậu bé ăn xong mấy trái chôm chôm, tôi dắt cháu đến tận nơi chỉ tay bụi chuối và nói: "Đây là bụi chuối vì có rất nhiều cây chuối mọc lên, con cứ xem và quan sát đi".
Cháu quan sát chừng 15 phút rồi chạy vào nói: "Giờ con mới biết cây chuối lá có một chiếc, thân nó tròn sờ tay vào cảm giác láng và trơn, cây chuối cao trên hai mét, buồng chuối trái nhiều quá hén ông… Năm rồi con học lớp 4, cô giáo ra đề tập làm văn tả cây chuối. Khi làm bài, con dựa vào bài mẫu mà cô giáo sửa bài làm ở lớp tả cây phượng trong sân trường và con lên mạng xem hình cây chuối, hỏi thêm mẹ cây chuối bác nông dân trồng như thế nào, lá chuối ra sao, khi trái còn non mất thời gian bao lâu thì chín… Rồi làm bài con đổi tên cây phượng thành tên cây chuối và thêm một số ý quan sát xem trên mạng và nghe mẹ tả, bài làm ấy con được cô giáo nhận xét nắm được thể loại văn tả cây cối và biết quan sát cây, bài làm đầy đủ ý, giỏi".
Văn mẫu - chuyện thường ngày ở trường
Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng chuyện HS học văn mẫu, hoặc tả cây chuối mà chưa từng thấy cây chuối là chuyện thường ngày ở trường. BĐ Dinh Trần cho rằng: "Đây là thực trạng đã và đang xảy ra tại rất nhiều trường. HS làm tập làm văn theo "văn mẫu" của thầy cô là chuyện rất bình thường". BĐ Nguyễn Ngọc Thái cho biết thêm: "Tả cây chuối còn dễ tìm, chứ bắt HS một số vùng tả con trâu coi chừng khó nghen. Còn vụ văn mẫu thì là "chuyện thường ngày của HS" mà!".
Nhận xét về vấn nạn văn mẫu, BĐ Kiều Nhi cho biết: "Theo tôi, cái chính của dạy và học văn mẫu là bệnh thành tích, GV không tin HS, HS thì "rập khuôn", không dám viết những điều mình thấy, những cảm xúc của mình. Điều này đã khiến cho nhiều HS không thích môn văn, thiếu sự sáng tạo, chỉ biết "học vẹt". Chuyện không mới nhưng vì sao vẫn chưa chấm dứt được chuyện văn mẫu?".
Trong khi đó, BĐ N.Y.Oanh viết: "Tôi rất tâm đắc với bài viết Chào ngày mới của Báo Thanh Niên hôm 8.5. Tác giả viết thật hay: "Nếu giáo viên chấp nhận những bài văn của HS miêu tả chân thật những gì mình thấy, tuy có hơi ngây ngô, thậm chí "có lỗi", nhưng đó là cảm xúc và cái nhìn của chính các em với thế giới xung quanh, chứ không phải những hình ảnh long lanh từ sách vở, thì khi đó mới có thể chấm dứt tình trạng văn mẫu. Tại sao chúng ta không chấp nhận đám mây màu vàng theo cách nhìn của các em (mà cứ phải là màu trắng)? Tại sao tóc bà ngoại cứ phải bạc như cước, lưng bà còng (trong khi rất nhiều bà ngoại bây giờ vẫn hết sức trẻ trung với tóc nhuộm, giày cao gót)?...". Nhân nhắc đến bà ngoại, tôi lại nhớ thời tôi đi học, gần như HS cả lớp chỉ "có" một bà ngoại, vì bà ngoại nào được tả cũng giống hệt nhau".
Để trẻ yêu thích môn văn
Để HS yêu thích môn văn, có nhiều điều cần phải làm. BĐ Hoangha Tran góp ý: "Giáo viên chỉ nên hướng dẫn cách làm, gợi ý, khơi dậy cảm hứng cho HS, còn lại hãy để cho HS tự viết. Văn là người, là mình, chứ không phải là "khuôn", là "mẫu", là "người khác". Hãy chấp nhận những câu văn chân thật, đầy cảm xúc của chính HS, chứ đừng ép các em sử dụng những ngôn từ xa lạ. Hãy cho HS được đi, được nhìn, được khám phá nhiều hơn, để hiểu biết hơn và yêu cuộc sống hơn".
Trong khi đó, BĐ Hai Hieu chia sẻ: "Đến giờ này, đã ngoài 60 tuổi rồi mà tôi vẫn còn nhớ chuyện hồi tôi học lớp 5, cô giáo lấy bài tập làm văn của tôi đọc trước lớp. Cả lớp được dịp cười rần rần, cô giáo cũng cười, chỉ có tôi là xấu hổ không biết trốn chỗ nào. Sau đó giờ văn đối với tôi như là cơn ác mộng… Bây giờ hiện đại rồi, chắc thầy cô giáo sẽ không còn mang những bài tập làm văn "cá biệt" của HS ra đọc trước lớp nữa. Mong là như vậy".
"Sách giáo khoa còn nặng tính hàn lâm, sách sinh học lớp 6 mà đặc tả quá sâu vào tế bào trong khi HS không biết được cây chuối, cây dừa như thế nào. Hình như các nhà soạn sách thích soạn dài và trừu tượng", BĐ Trần Thanh góp ý.
* Cháu tôi lúc nhỏ, dắt vô xóm nhà trên đường Trần Văn Đang, ra phía sau là kênh Nhiêu Lộc, thấy lục bình, cháu ồ lên: một đồng lúa!
maijoevn@gmail.com
* Đất nước cần một nền giáo dục nhân văn, khai phóng, giúp con người vượt qua giới hạn để tạo nên những điều mới mẻ, chứ không cần cách tạo ra những cỗ máy sao chép.
Duc Lehong
Bình luận (0)