Đó là bởi từ năm 2018 đến hết quý 1/2022, tại tỉnh này có đến 2.856 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; diện tích rừng bị thiệt hại hơn 204 ha, lâm sản thiệt hại hơn 12.240 m3; 1.410 vụ vi phạm lấn chiếm hơn 431 ha đất lâm nghiệp; 13 cơ quan, đơn vị và 161 cá nhân bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm... Nhìn những con số này, nhiều người không khỏi xót xa.
Một khoảnh rừng bị lâm tặc đốn hạ |
GIA BÌNH |
Đành rằng, số vụ vi phạm, diện tích rừng và lâm sản thiệt hại đều giảm dần qua các năm, nhưng với hàng trăm héc ta rừng bị thiệt hại không phải là con số nhỏ.
Điều đáng nói, trong hơn 4 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng Lâm Đồng đã ban hành đến 1.260 văn bản liên quan chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thế nhưng “máu rừng” vẫn cứ chảy, đất rừng vẫn cứ bị lấn chiếm.
Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng rõ ràng có 2 nguyên nhân ai cũng biết: đó là lấy gỗ và chiếm đất, bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gỗ rất nhiều và đất hiện có giá rất cao. Phá rừng cũng thường có những đầu nậu, đối tượng cầm đầu, các đường dây và không loại trừ có các đối tượng thông đồng, bao che, bảo kê… Vì thế, cần phải nhanh chóng điều tra xử lý nghiêm, không có vùng cấm.
Cùng với đó phải có biện pháp giám sát nghiêm việc thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Theo đó, lãnh đạo tỉnh ít nhất 1 lần/tháng và Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ít nhất 2 lần/tháng phải đi kiểm tra rừng. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã; giáng chức và điều chuyển công tác đối với hạt trưởng kiểm lâm, giám đốc/thủ trưởng đơn vị quản lý rừng thuộc nhà nước khi để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nghiêm trọng, kéo dài.
Làm quyết liệt, làm đồng bộ, làm thực chất mới mong rừng thôi “chảy máu”!
Bình luận (0)