Miền Bắc nắng nóng cục bộ đến hết tháng 9
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay 23.9, thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ tiếp tục có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 35 - 36 độ C.
Theo dự báo, đợt nắng nóng cục bộ này sẽ kéo dài hết ngày mai 24.9. Từ khoảng 25 - 26.9, khu vực đồng bằng Bắc bộ có mưa rải rác; nhiệt độ cao nhất từ 33 - 34 độ C.
Trong thời gian từ nay đến hết tháng 9, khu vực Bắc bộ vẫn được dự báo sẽ đón những đợt nắng nóng khác, khu vực nắng nóng nhất là Q.Hà Đông (Hà Nội) với nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C.
Bão hoặc áp thấp nhiệt đới có thể hình thành trên Biển Đông vào cuối tháng 9
Sang đầu tháng 10, Bắc bộ có khả năng đón những đợt không khí lạnh hoạt động yếu. Mùa đông năm nay, rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Bão hoặc áp thấp nhiệt đới có thể hình thành trên Biển Đông vào cuối tháng 9
Do dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động từ nay cho đến khoảng tháng 11, sau đó có xu hướng dịch xuống phía nam. Do vậy, ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ sẽ còn nhiều ngày mưa rào và giông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, xảy ra nhiều hơn ở khu vực miền Trung.
Ngoài ra, ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ do chịu ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh nên tiếp tục xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và giông. Trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, tháng 10 và tháng 11.
Trên Biển Đông có thể hình thành bão hoặc áp thấp nhiệt đới
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13 - 16 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp lúc 7 giờ hôm nay có vị trí ở khoảng 15,5 - 16,5 độ vĩ bắc; 116,5 - 117,5 độ kinh đông gây mưa giông ở vùng biển phía nam của bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan.
Trong ngày và đêm 23.9, vùng áp thấp phân tích trên có khả năng mạnh thêm, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - cấp 8.
Trước đó, cơ quan khí tượng đã nhận định, trong tuần cuối của tháng 9, trên Biển Đông có thể hình thành bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Ngoài ra, trong thời kỳ từ 23.9 - 20.10, có khả năng xuất hiện từ 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ, Trung bộ.
Dự báo xa hơn, từ nay đến hết năm, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 3 - 5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 1 - 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Bình luận (0)