Sống trong các gia đình có bạo lực, trẻ em bị thương tổn tâm lý lâu dài. Còn ông chồng cũng không mấy hạnh phúc.
|
Những nghiên cứu rất đáng chú ý được công bố tại hội nghị quốc gia về bạo lực gia đình, được tổ chức ở Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-9 đã nêu lên một thực trạng đáng buồn như vậy.
Rượu vào là... đánh!
Khác hẳn với các hội nghị quốc gia được tổ chức ở khách sạn 4-5 sao, đại biểu dự hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình có chủ đề “Thu hẹp khoảng cách từ luật đến cuộc sống” hầu hết không phải là nghiên cứu viên, người giữ vị trí quan trọng hoặc có địa vị xã hội, mà là nạn nhân, thậm chí là người gây ra bạo lực gia đình. Ở hội nghị, nhiều người chú ý đến anh B.V.H., một người dân tộc Mường ở Tân Lạc, Hòa Bình.
Câu chuyện của anh H. khiến người ta quan tâm: Trước đây anh thường xuyên đánh vợ, nhất là mỗi khi uống rượu. Nông thôn thì đủ thứ xung quanh, nào điếu cày, nào gậy, thậm chí cả dao, cứ uống vài chén sương sương, tức lên là anh lại đánh vợ. Đánh xong, tỉnh rượu, thấy vợ con khóc lóc cũng thấy thương, nhưng rồi mai rượu vào, tức lên lại đánh. Vòng luẩn quẩn cứ thế, gia đình nhỏ bé ở cái làng quê nơi anh cho rằng có đến 60-70% số người vợ từng bị chồng bạo hành cứ lầm lũi sống, mặc dù chẳng ai thấy vui với cuộc sống của mình.
Mọi chuyện kết thúc từ cách đây bốn tháng, khi lần đầu tiên anh H. được tham gia lớp học dành cho những người gây ra bạo lực gia đình do Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức. Lớp học mỗi tháng một buổi, trong vòng bốn tháng, anh H. cũng như những anh chồng vốn hay đàn áp vợ khác đều phải kể câu chuyện của mình. Cùng hay đánh vợ nên họ có những câu chuyện giống nhau, đều là uống rượu vào, sai vợ đi lấy rượu vợ không đi, thế là đánh. Hay kinh tế khó khăn quá, mẹ chồng - nàng dâu nặng nhẹ cãi nhau, anh chồng bênh mẹ thành ra đánh vợ, mà đánh mãi thành... quen. Được đi học, họ cùng nhận ra sự vô lý và cả sự bất hạnh của vợ con mình.
“Tôi đã uống rượu ít đi từ bốn tháng nay và gia đình tôi cũng không cự cãi nữa, vợ tôi vui hơn nên tôi được mời đi dự hội nghị này” - anh H. chia sẻ.
Cần thêm các dịch vụ xã hội
Theo nghiên cứu của TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM) trình bày tại hội thảo, qua nghiên cứu 120 phụ nữ bị bạo lực gia đình ở TP.HCM từ đầu năm 2011 đến tháng 2-2012, hầu hết phụ nữ bị bạo hành đều bị trầm cảm các mức độ cần được can thiệp trị liệu, với các biểu hiện như buồn bã, khóc lóc, mệt mỏi kiệt sức, mất niềm vui, bi quan, mất nghị lực, có mặc cảm tội lỗi, mặc cảm thất bại và bị trừng phạt.
Bà Nguyễn Thu Thúy, nghiên cứu viên của CSAGA, cho biết tỉ lệ phụ nữ là trí thức, có học vấn và khả năng tài chính là nạn nhân của bạo lực gia đình cũng không kém là bao so với tỉ lệ này ở phụ nữ nông thôn. Đường dây tư vấn của CSAGA đã gặp một ca tư vấn mà người vợ bị chồng bạo hành nghiêm trọng về tinh thần, thậm chí bị dọa giết. Cả hai vợ chồng này đều là giám đốc của hai công ty, chị vợ có khả năng tài chính và rất thông minh. Lúc gọi đến đường dây, chị vợ không dám nhận mình là nạn nhân mà nói rằng “hỏi cho bạn”.
Khi được cung cấp thông tin và tư vấn về tình huống nghiêm trọng của bản thân và con nhỏ, người vợ đã được tư vấn chuyển đến nhà tạm lánh sống trong vòng ba tháng. “Cô ấy không hề biết hiện có dịch vụ nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành, mà cứ cố chịu đựng, rất nguy hiểm” - bà Thúy cho hay.
Bà Thúy nói thêm Luật phòng chống bạo lực gia đình (ban hành năm 2007) có quy định các địa phương phải có nơi trú ẩn an toàn cho nạn nhân bạo lực. Theo những thống kê mới nhất, cả nước đã có 11.000 cơ sở như vậy, chủ yếu trong đó là nhà của các ông bà tổ dân phố, chính quyền xã phường, cán bộ hội phụ nữ. Đặc biệt, đến nay đã có bảy nhà tạm lánh có các dịch vụ kèm theo dạy nghề, tư vấn tâm lý, chữa bệnh, chăm sóc trẻ em là con của phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình tại Hà Nội, Phú Thọ, TP.HCM...
Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng cần có thêm những nhà tạm lánh và dịch vụ xã hội như câu lạc bộ, đường dây nóng, luật sư miễn phí, dạy nghề, trường học... cho các nạn nhân của bạo lực gia đình. Làm sao để họ có đủ kiến thức, niềm tin, sự vững vàng để có được quyết định đúng đắn cho cuộc sống của mình và các con, trong đó yêu cầu tiên quyết là cuộc sống đó phải không bạo lực và có hạnh phúc.
Gần 36% trẻ em đang sống trong cảnh bạo lực gia đình Theo tác giả Nguyễn Bá Đạt - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội - trình bày tại hội nghị, qua nghiên cứu 145 trẻ em từ độ tuổi 12-15 ở xã Tân An, huyện Thanh Hà, Hải Dương và 52 cặp vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình - đối tượng của nghiên cứu này, có 36% trẻ trả lời có bạo lực tại gia đình mình. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sống trong gia đình bạo lực có nhiều khả năng bị rối nhiễu tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối nhiễu hành vi, trong đó trẻ vừa phải chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ vừa bị cha mẹ ngược đãi là đối tượng bị rối nhiễu tâm lý nhiều nhất. Mức độ rối nhiễu tâm lý có mối tương quan thuận với bạo lực gia đình. 16 trẻ sống trong 52 gia đình có bạo lực (chiếm 30,8%) có hành vi gây hấn và sáu trẻ (chiếm 11,5%) thường xuyên có những hành vi gây hấn với bạn bè và người khác. Kết quả đáng quan tâm của nghiên cứu này còn là vấn đề những cặp vợ chồng trong gia đình bạo lực không (hoặc rất ít) nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng. 41/52 cặp vợ chồng (chiếm 78,8%) được phỏng vấn không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ cộng đồng mỗi khi họ có hành vi đánh chửi nhau. Chỉ có sáu cặp vợ chồng trong số đó (chiếm 9,6%) thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng. |
Theo Lan Anh - Quỳnh Liên / Tuổi Trẻ
>> Phòng, chống bạo lực gia đình
>> Bạo lực gia đình thành án mạng
>> Hiến kế chống bạo lực gia đình
>> Nam giới tiên phong phòng chống bạo lực gia đình
>> Báo động bạo lực gia đình
>> Bạo lực gia đình: “nhịn là chết”
>> Phấn đấu giảm tình trạng bạo lực gia đình
>> Triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình
>> Phá vỡ im lặng" và câu chuyện về bạo lực gia đình
>> Vì sao bạo lực gia đình vẫn không giảm?
>> Sắp phát sóng phim về bạo lực gia đình
>> Bạo lực gia đình vẫn nhức nhối
>> Bạo lực gia đình
>> Mở chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình
>> Hội thảo ASEAN về phòng chống bạo lực gia đình
Bình luận (0)