Bạo lực học đường: Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp

21/04/2023 08:25 GMT+7

Chỉ thị số 993 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhằm tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đã nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng.

Chỉ thị này nêu: "Để tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, tại các cơ sở giáo dục, thủ trưởng là người chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục".

Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử: Học sinh giữa những khoảng trống tâm lý mênh mông

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết ông đã từng làm hiệu trưởng 20 năm và hằng ngày phải xử lý rất nhiều chuyện: quan hệ giữa học sinh (HS) với HS, HS và thầy cô giáo, thầy cô giáo với cha mẹ HS…

Do vậy, theo ông Hòa, dù hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện nhưng hiệu trưởng làm quản lý sẽ không xử lý hết được mà quan trọng là làm thế nào để các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, HS của nhà trường tự xử lý các vấn đề; phải làm cho môi trường của nhà trường thân thiện hơn, HS được hạnh phúc hơn. Ông Hòa cho hay phương pháp xử lý mà trường ông áp dụng từ rất lâu nay là đưa giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống vào trong nhà trường. Điều này đã thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận và xử lý những vấn đề thuộc về bạo lực học đường, các thầy cô giáo đã xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, HS hạnh phúc hơn.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp - Ảnh 1.

Theo quy định, các trường học phải có phòng tư vấn tâm lý hỗ trợ học sinh

NHẬT THỊNH

Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM) cho rằng GV phải theo sát và nắm bắt để hỗ trợ kịp thời cho HS, người quản lý thì phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở GV quan tâm cùng với HS xây dựng môi trường học thân thiện, an toàn. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp với gia đình để luôn đồng hành hỗ trợ con em bất cứ lúc nào.

Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, chỉ ra rằng HS chưa có thói quen, chưa dám, chưa vượt qua được tâm lý để xuống phòng tư vấn tâm lý chia sẻ để được tham vấn. Chính vì vậy, nên tạo các hoạt động để HS quen dần với việc sẵn sàng chia sẻ khó khăn của mình với người lớn để được hỗ trợ.

Về góc độ chuyên môn, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng vấn đề bạo lực học đường không phải là mới nhưng những mâu thuẫn xảy ra trong môi trường học đường cần quan tâm nhiều hơn vì HS là lứa tuổi chưa hoàn chỉnh về nhân cách, đang trong giai đoạn thể hiện để khẳng định bản thân, phát triển cái tôi nên vẫn còn những sai lệch trong ứng xử, sai lầm trong nhận thức dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.