Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ thay xét học bạ bằng kỳ thi đánh giá năng lực

Hà Ánh
Hà Ánh
28/02/2023 12:53 GMT+7

Với những kết quả đạt được trong năm đầu thử nghiệm xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ thay thế phương thức xét tuyển kỳ thi này cho phương thức xét học bạ THPT trong tương lai.

Sáng 28.2, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức tọa đàm về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ thay xét học bạ bằng kỳ thi đánh giá năng lực  - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2022

HÀ ÁNH

Kỳ thi nào đánh giá năng lực tổng hợp?

GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có những chia sẻ về công tác tuyển sinh đầu vào phù hợp bối cảnh thực hiện lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Theo ông Sơn, nếu dạy học theo phẩm chất, năng lực thì việc đánh giá không thể không bám sát theo định hướng này. Vì vậy, cần định hướng, chuẩn bị, nhất là có những bước chuyển thay vì cứ loay hoay và lo lắng.

Tuy nhiên, ông Sơn đặt vấn đề: "Phương thức tuyển sinh nào khách quan khi học bạ THPT đang được cố gắng sáng hơn; học sinh tốt nghiệp nhưng kiến thức, kỹ năng cơ bản chưa đồng đều hay có phần bị lệch; tuyển sinh ĐH sẽ tuyển người có kiến thức hay có tư duy hoặc là phải có năng lực; các công cụ đánh giá trong các kỳ thi có khách quan và công bằng, nhiều hay ít kỳ thi đánh giá là phù hợp hoặc tạo cơ hội cho học sinh tuyển sinh ĐH, các trường ĐH có thực sự được tự chủ tuyển sinh đúng nghĩa…".

Thời điểm hiện tại, ông Sơn cho biết theo kết quả khảo sát đã có 9 đơn vị trong cả nước công bố việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụ thể gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Khoa học và công Nghệ Hà Nội, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Bộ Công an.

"Trong đó, các kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp (như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội) hiện đã thu hút được sự quan tâm và đăng ký sử dụng kết quả của nhiều trường. Tên gọi của từng kỳ thi, nội dung và các vấn đề có liên quan cần tiếp tục được xem xét nhưng cần khẳng định vai trò của các kỳ thi này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay để phục vụ cho nhu cầu tuyển sinh cụ thể của các trường", ông Sơn nhìn nhận.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ thay xét học bạ bằng kỳ thi đánh giá năng lực - Ảnh 2.

Các đơn vị có tổ chức thi kỳ thi đánh giá năng lực  năm 2023

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được chuẩn bị trong 5 năm với 1 chuỗi nhiệm vụ đặt hàng dựa trên sự tham gia của các chuyên gia trong cả nước phối hợp với những giảng viên có chuyên môn. Việc xây dựng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường sẽ bám chặt vào năng lực thành phần của các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chính vì vậy, sau khi có kết quả đánh giá của thí sinh trường có thể tổ chức phân tích kết quả và thông tin phản hồi đánh giá các năng lực thành phần. Đây là thông tin tham khảo rất tốt để có thể phản hồi đánh giá các môn học của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh giai đoạn 2023-2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức ổn định như năm 2022, các trường tự chủ công tác tuyển sinh theo luật Giáo dục ĐH. Tiếp theo đó, trong giai đoạn 2025-2030, ngành giáo dục thực hiện đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và áp dụng với đối tượng học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất.

Trong bối cảnh tuyển sinh chung đó, các kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay là vô cùng cần thiết giúp các trường có thêm nguồn dữ liệu khách quan, phù hợp để xét tuyển vào CĐ, ĐH, theo thạc sĩ Trung.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ thay xét học bạ bằng kỳ thi đánh giá năng lực  - Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ trong tọa đàm

HÀ ÁNH

Tuy nhiên, theo ông Trung, một số vấn đề đặt ra cần lưu ý như uy tín, năng lực của đơn vị tổ chức thi; cách tiếp cận, tổ chức các bài thi theo định hướng khảo thí hiện đại; nên hay không nên có quy hoạch các đơn vị tổ chức thi; việc sử dụng các bài thi đánh giá năng lực?

Phân tích kết quả kỳ thi năm 2022, thạc sĩ Trung cho biết, nhà trường đã đánh giá kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt so với điểm trung bình học bạ lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt phân hóa tốt hơn bài thi tốt nghiệp THPT đối với những thí sinh có năng lực cao. Trong khi đó, so với điểm trung bình học bạ lớp 12 có mối tương quan thuận và mạnh hơn so với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trên cơ sở đó, thạc sĩ Trung cho biết năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt với hình thức, định dạng bài thi được giữ ổn định như năm 2022 và tăng số lượng đợt thi, điểm thi tại các tỉnh. Với kết quả thử nghiệm năm đầu tiên, năm nay nhà trường sẽ tăng 40% chỉ tiêu xét tuyển các ngành bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Từ kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt với công tác tuyển sinh năm 2022, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho biết trường có thể tăng tỷ lệ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này thời gian tới.

Bên cạnh việc tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt, nhà trường giảm tỷ lệ chỉ tiêu phương thức ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thí sinh học sinh lớp chuyên.

Đáng chú ý, ông Quốc cho biết Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có thể thay thế phương thức xét học bạ bằng phương thức sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.