Bạo lực học đường: Nhận diện ‘nguy cơ’ từ môi trường và bản thân học sinh

Bá Cường
Bá Cường
07/06/2024 13:19 GMT+7

Hội nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đối thoại, tiếp xúc với trẻ em năm 2024 đã 'mổ xẻ' nhiều vấn đề, trong đó có bạo lực học đường.

Sáng 7.6, tại TP.Đồng Hới, Tỉnh đoàn Quảng Bình phối hợp với Sở LĐ-TB-XH tổ chức Hội nghị lãnh đạo UBND tỉnh đối thoại, tiếp xúc với trẻ em năm 2024.

Hội nghị có sự tham dự của ông Hoàng Xuân Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình; 37 đại biểu học sinh thuộc Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình.

Bạo lực học đường: Nhận diện ‘nguy cơ’ từ môi trường và bản thân học sinh - Ảnh 1.

Ông Hoàng Xuân Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, phát biểu tại hội nghị

BÁ CƯỜNG

Tại hội nghị, đại diện trẻ em tại Quảng Bình có dịp gặp gỡ, trao đổi các vấn đề về bạo lực học đường, xâm hại tình dục, đảm bảo an toàn trên không gian mạng... Đại diện các sở, ban, ngành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, ý kiến nhằm tạo cho trẻ em Quảng Bình có một môi trường tốt nhất để phát triển.

Học sinh ý thức hơn về bạo lực học đường

Tại hội nghị, đáng chú ý có nội dung đối thoại của ông Hồ Giang Long, Phó giám đốc Sở GĐ-ĐT tỉnh Quảng Bình, về câu hỏi của em Phan Tuấn Kiệt (học sinh lớp 9, Trường THCS Chu Văn An, TP.Đồng Hới) đưa ra liên quan đến việc ngăn chặn, xóa bỏ bạo lực học đường.

Cụ thể, ông Hồ Giang Long cho biết hiện tại Sở GD-ĐT đã có rất nhiều giải pháp để ngăn chặn, xóa bỏ bạo lực học đường như chỉ đạo cho các tổ chức Đoàn - Hội trong nhà trường, các giáo viên tuyên truyền về bạo lực học đường.

Bạo lực học đường: Nhận diện ‘nguy cơ’ từ môi trường và bản thân học sinh - Ảnh 2.

Em Phan Tuấn Kiệt đặt câu hỏi về vấn đề hạn chế, ngăn chặn bạo lực học đường

BÁ CƯỜNG

"Nếu tuyên truyền mà chưa thấu, chưa thấm thì có giải pháp tiếp theo, đó là lập các phòng tư vấn tâm lý học đường tại các trường học. Hiện nay từ cấp tiểu học đến THPT đều có phòng này nhằm giúp các em hóa giải mâu thuẫn, xích mích; các thầy cô sẽ đưa ra các lời khuyên, hóa giải các vấn đề mà các em gặp phải", ông Long nói.

Ông Long cũng cho biết thêm, bạo lực học đường phần lớn xảy ra bên ngoài nhà trường; sau các vụ việc, trách nhiệm thường được quy về cách giáo dục của nhà trường, cách dạy dỗ của phụ huynh là đúng. Tuy nhiên, bản thân các học sinh cũng phải ý thức được trách nhiệm, vai trò và lỗi lầm của bản thân trong các vụ việc bạo lực học đường.

Tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá đang gia tăng

Trả lời câu hỏi của em Nguyễn Ngọc Thủy Tiên (học sinh Trường THCS Lệ Ninh, H.Lệ Thủy) về các giải pháp để khắc phục việc học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết tình trạng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá vẫn đang gia tăng.

Bạo lực học đường: Nhận diện ‘nguy cơ’ từ môi trường và bản thân học sinh - Ảnh 3.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Bình trả lời các câu hỏi tại hội nghị

BÁ CƯỜNG

"Tỉ lệ thiếu niên từ 13 - 15 tuổi sử dụng thuốc lá vẫn còn gia tăng, từ năm 2022 - 2023 tỉ lệ này tăng từ 3,5% lên 8%", ông Bình nói.

Theo ông Bình, mặc dù các cấp từ trung ương đến địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá, nhưng trên hết vẫn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Trước sự lôi kéo của bạn bè, của những người xung quanh, việc sử dụng và nghiện thuốc lá có thể khiến các em học sinh lún vào sâu lúc này không hay.

"Trên hết, bản thân các học sinh phải tự ý thức, suy nghĩ được tác hại của thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như thế nào. Và trong việc này, vai trò của nhà trường, phụ huynh rất quan trọng khi phải biết cách tuyên truyền thế nào để học sinh, con em của mình tránh xa thuốc lá", ông Bình nói thêm.

Bạo lực học đường: Nhận diện ‘nguy cơ’ từ môi trường và bản thân học sinh - Ảnh 4.

Hội nghị đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp để tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển

BÁ CƯỜNG

Tại hội nghị, các đại biểu học sinh cũng đã nhận được những câu trả lời, hướng giải quyết của lãnh đạo các sở, ban, ngành về vấn đề đảm bảo an toàn trên không gian mạng, hạn chế việc xảy ra đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em...

Kết luận tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chỉ đạo cho các sở, ban, ngành tiếp thu ý kiến, vấn đề mà các em học sinh đặt ra.

Ông tin tưởng rằng "trẻ em chính là người tự mình tạo ra thay đổi, tạo ra môi trường lành mạnh".

"Những kiến nghị, đề xuất của trẻ em được phản ánh tại hội nghị là những vấn đề quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay. Đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp, chủ động tham mưu để triển khai hiệu quả trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh", ông Tân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.