Nếu đi vào đất liền với sức gió mạnh cấp 11 - 13, giật cấp 15 thìbão số 9 sẽ gây “sức tàn phá cực kỳ khủng khiếp”.
Chiều 27.10, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin tham khảo từ Cơ quan Khí tượng Philippines, nơi cơn bão số 9 vừa đi qua, ghi nhận có gió mạnh cấp 12. Bão phá hủy nhiều nhà cấp 4, mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng khiến nhiều hộ dân phải sơ tán.
Qua các mô hình dự báo, cơn bão số 9 không có các yếu tố để suy yếu nhanh như cơn bão số 8 vừa qua. Không khí lạnh xuống chậm lại rất mỏng không đủ tác động để làm bão suy yếu; nhiệt độ mặt nước biển quanh đường đi của bão số 9 cao hơn bão số 8 đã làm chậm quá trình suy yếu.
2 tàu cá bị chìm, 26 ngư dân mất tíchKhoảng 13 giờ ngày 27.10, tàu cá BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn (ở P.Hoài Thanh, TX.Hoài Nhơn), trên tàu có 12 ngư dân, đang trên đường chạy về cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) để tránh bão thì tàu bị phá nước và chìm. Sau đó, tàu cá BĐ 98658 TS của ông Nguyễn Văn Toàn (ở TT.Bồng Sơn, TX.Hoài Nhơn) đã tiếp cận khu vực tàu cá BĐ 96388 TS bị chìm để tìm kiếm 12 ngư dân này nhưng đến tối 27.10 vẫn chưa tìm thấy.
Trong khi đó, tàu cá BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đoan (ở xã Hoài Hải, TX.Hoài Nhơn) làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 14 lao động, cũng bị chìm khi đang chạy tránh trú bão số 9 vào lúc 16 giờ 30 ngày 27.10. Hiện gia đình và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định chưa có thông tin và chưa liên lạc được với 14 ngư dân này.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Vùng 4 Hải quân và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều phương tiện hỗ trợ tìm kiếm các tàu cá nói trên. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều động tàu có trọng tải lớn túc trực tại vùng biển Bình Định trước khi có bão số 9 đổ bộ vào đất liền, để kịp thời ứng cứu khi có xảy ra các sự cố trên biển do bão gây ra.
Phan Hậu - Hoàng Trọng - Nguyễn Chung
|
Dự báo vùng trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão là các tỉnh thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với gió mạnh cấp 11 - 13, giật cấp 15. “Nếu tình huống này xảy ra thì sức tàn phá của bão là cực kỳ khủng khiếp, nhà cấp 4, cây cối... không thể chịu được và đây sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất ở VN trong 20 năm qua”, ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Vinh Thư, Giám đốc Đài khí tượng cao không, cho biết theo dõi trong cả ngày 27.10, bão di chuyển với tốc độ nhanh, khoảng 25 km/giờ và hướng chủ đạo là tây và tây tây bắc. “Dự báo cơn bão này tiếp tục di chuyển nhanh, trong khoảng 8 giờ cho đến trưa 28.10 bão sẽ bắt đầu đi vào đất liền”, ông Thư nói.
|
Di dời gần nửa triệu dân
Chiều 27.10, tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 9 đặt tại TP.Đà Nẵng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc họp khẩn với các bộ ngành, địa phương liên quan.
Khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũHôm qua (27.10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ký công điện về việc ứng phó với bão số 9. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, kêu gọi tàu thuyền trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông rà soát kỹ, không để sót tàu thuyền trong vùng nguy hiểm. Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Trường hợp cần thiết thì cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ trước, trong và sau bão, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Bí thư, chủ tịch các tỉnh, TP từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây nguyên được yêu cầu trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình, giảm ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Các bộ Quốc phòng, Công an và các địa phương được yêu cầu huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt.
|
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, để ứng phó với bão số 9, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên đã thực hiện sơ tán hơn 448.000 người trong khu vực nguy hiểm. Đến chiều tối qua (27.10), việc di dời dân đã hoàn thành. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường lưu ý: “Bão oanh tạc vào nam Trung bộ, ít kinh nghiệm nên kỹ năng ứng phó ít hơn. Đã có bài học năm 2017, khi bão đổ bộ vào Khánh Hòa hơn 100 người chết. Đề nghị các tỉnh phía biển không chủ quan…”.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: “Đây là cơn bão nguy hiểm, là 1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Bão lại đổ bộ vào khu vực miền Trung đang chịu nhiều tổn thương lớn sau mưa lũ vừa qua, dù chủ động thế nào nhưng không thể chủ quan. Mục tiêu là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân”.
|
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ phải tập trung hỗ trợ, chủ lực là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Cục Cứu hộ - cứu nạn của Bộ Quốc phòng. Các đơn vị này cùng các Quân khu 4 và Quân khu 5 phải điều phối lực lượng ứng phó với bão số 9. Ngoài ra, khi cần thiết phải đề nghị Quân khu 3 hỗ trợ phía bắc, Quân khu 7 hỗ trợ ở phía nam. Các đơn vị quân đội tập trung lực lượng hỗ trợ địa phương; đặc biệt là hỗ trợ các xuồng nhỏ vào cứu người dân. Bộ GTVT chủ động các phương tiện tìm kiếm cứu nạn trên biển. “Tinh thần rất khẩn cấp nên tập trung ứng phó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản...”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, Phó thủ tướng lưu ý Quảng Nam cần đặc biệt quan tâm. Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã có văn bản yêu cầu Công ty CP thủy điện A Vương, Công ty CP thủy điện Đăk Mi, Công ty thủy điện Sông Bung và Công ty thủy điện Sông Tranh tổ chức vận hành hạ dần mực nước hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 2 và Sông Tranh 2 về mực nước đón lũ thấp nhất trước 19 giờ ngày 27.10.
|
Quân đội sẵn sàng cứu hộ
Báo cáo tại cuộc họp, thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết Quân khu 5 đã huy động hơn 66.000 người và 1.716 phương tiện. Trong đó, tàu lớn có 79 chiếc, xuồng các loại là 602, 7 máy bay trực thăng... Riêng Quân chủng Hải quân huy động 1.211 người với 12 phương tiện, trong đó 27 tàu lớn. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) huy động 3.654 người với 185 phương tiện. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển huy động 386 người cùng 16 phương tiện. Quân chủng Phòng không - Không quân huy động 1.450 người với 25 phương tiện, trong đó 7 trực thăng trực liên tục… Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động thêm lực lượng của Quân khu 7 và Quân đoàn 3 cùng các lực lượng của Quân chủng Hải quân, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật…
|
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết chính quyền địa phương phối hợp cùng BĐBP chủ động di dời khoảng 10.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã chuẩn bị lực lượng và 49 phương tiện để tham gia cứu hộ cứu nạn sau bão, nhất là ở các vùng trũng; ngoài ra còn chuẩn bị 290 nhà bạt, 7.174 cái phao tròn, 6.995 áo phao cứu sinh, 112 cái phao bè và 9 máy phát điện. Đại tá Nguyễn Công Hoan, Phó chỉ huy trưởng Trường sĩ quan Không quân, cho biết đã khảo sát tại Phú Yên có 16 điểm có thể đáp trực thăng và chuẩn bị 3 - 4 trực thăng để bay cứu hộ cứu nạn sau bão.
|
Bình luận (0)