'Bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp', làm 345 người chết và mất tích

22/10/2024 16:34 GMT+7

Cơn bão số 3 (bão Yagi) có sức tàn phá khủng khiếp, đã gây ra thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, làm 345 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 82.000 tỉ đồng.

Cập nhật mới nhất thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra được ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), thông tin tại tọa đàm có chủ đề: Thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt, do Báo Tiền phong tổ chức ngày 22.10, tại Hà Nội.

'Bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp', làm 345 người chết và mất tích- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hải thông tin tại tọa đàm

ẢNH: MAI TÙNG

Tăng cường cảnh báo sớm các điểm sạt lở

Theo ông Nguyễn Văn Hải, qua thống kê đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định cơn bão số 3 là cơn bão gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản, thiệt hại ghi nhận lớn nhất từ trước đến nay.

Thống kê từ các địa phương cho thấy, bão số 3 đã làm 345 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế gần 82.000 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 501 người chết và mất tích, tăng 2,38 lần so với trung bình 10 năm gần đây. Thiệt hại kinh tế do thiên tai cao gấp 4 lần so với trung bình 10 năm gần đây, trung bình năm các năm gần đây là khoảng 21.000 tỉ đồng.

Phân tích kỹ số liệu thiệt hại về người đã thống kê được, ông Hải cho biết, số người chết và mất tích trong bão số 3 vừa qua chủ yếu do sạt lở đất. Đây là loại hình thiên tai Việt Nam đã rất quan tâm trong 5 - 10 năm trở lại đây, dù được cảnh báo nhưng sạt lở đất, lũ quét xảy ra vẫn có nhiều người chết và mất tích là điều rất đáng tiếc.

'Bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp', làm 345 người chết và mất tích- Ảnh 2.

Lũ quét, sạt lở đất phá hủy nhiều ngôi nhà tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) trong cơn bão số 3 vừa qua

ẢNH: ĐÌNH HUY

Rất nhiều lần nhấn mạnh về mức độ thiệt hại lớn chưa từng có trong một cơn bão như bão số 3, ông Hải dẫn chứng thêm, năm 2017, Việt Nam có nhiều bão đổ bộ, tổng thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng. "Bão số 3 vừa qua có sức tàn phá khủng khiếp và diện rộng, tiếp cận từ biển vào đồng bằng lên miền núi, gây sạt lở từ miền núi lại trôi xuống đồng bằng thành một vòng tròn. Trước đó, trong chỉ đạo, chúng ta chưa hình dung hết tác động liên hoàn, lũ xảy ra diện rộng nên công tác điều phối cũng gặp không ít khó khăn", ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, năm 2024 là năm đặc thù khi có lượng mưa lớn kéo dài hàng tháng gây ra nhiều vụ sạt lở đất. Trong tương lai, các cơ quan chức năng cần tăng cường cảnh báo để hạn chế thiệt hại về người, tài sản ở các điểm sạt lở.

Tan tác mùa phật thủ ven sông Hồng sau bão Yagi

Bão sẽ ngày càng mạnh hơn

Nhận định về nguyên nhân gây ra lũ quét, sạt lở làm chết nhiều người những năm gần đây, TS Nguyễn Đại Trung, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, cho rằng những loại hình thiên tai cực đoan nguy hiểm xuất hiện với tần suất ngày càng dày ở miền núi, trung du có tác động tự nhiên và nhân sinh.

Trong đó, yếu tố kích hoạt tự nhiên gây sạt lở đất, lũ quét được xác định chủ yếu là do khí tượng: mưa lớn, mưa dài ngày... Ngoài ra, các hoạt động nhân sinh ngày càng gia tăng cũng là nguyên nhân chủ quan kích hoạt sạt lở đất như: sử dụng đất trồng cây thay đổi thảm phủ thực vật, xây dựng các công trình, phá rừng, khai thác khoáng sản, cắt xẻ sườn đồi, núi làm đường...

"Đợt mưa bão vừa qua, tôi đi khảo sát một số nơi, sạt lở ở miền Bắc một phần do khai thác khoáng sản tại các nơi gây đứt gãy sâu. Khi chịu tác động của mưa bão số 3 thì đất đá mất kết dính, gây ra sạt lở", ông Trung nói và cho rằng cơ quan chức năng có nhiều cảnh báo sớm tới người dân, nên chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho rằng tổng kết lại về cơn bão số 3 thì có nhiều điểm đặc biệt, kỷ lục, bất thường. Trong 48 tiếng, cơn bão đã tăng 8 cấp và đây là siêu bão có hoàn lưu bão rộng nhất trên Biển Đông, cũng là cơn bão có hoàn lưu rộng nhất mà Việt Nam ghi nhận được từ trước đến nay.

Theo ông Hoàng Đức Cường, tác động của biến đổi khí hậu đang khiến thiên tai diễn biến nhiều bất thường. Dự báo trong những năm tới, thời tiết cực đoan như: hạn hán, nắng nóng, nước biển dâng... sẽ còn trầm trọng hơn nữa.

Các cơn bão mạnh hơn sẽ là một xu hướng khi biến đổi khí hậu sẽ tạo nhiều điều kiện hình thành các cơn bão mạnh. Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, Việt Nam ghi nhận xuất hiện ngày càng nhiều cơn bão mạnh, có năm liên tục hứng chịu 6 cơn bão mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, tác động của biến đổi khí hậu ngoài làm cho bão mạnh thì còn mưa lớn cực đoan. Gần đây, ở miền Bắc đã ghi nhận mưa 2.000 mm chỉ trong 2 ngày, vùng ven biển cũng bị ngập lụt do mưa lớn.

"Dưới tác động của biến đổi khí hậu, bão sẽ mạnh hơn, mưa lớn sẽ ngày càng cực đoan, bất thường và khiến lũ quét phổ biến, bất ngờ hơn", ông Cường cảnh báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.