Ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc TH Herbals, chia sẻ với Thanh Niên về phát triển kinh tế dưới tán rừng |
True Milk |
Phát triển kinh tế dưới tán rừng
Năm 2016, Công ty CP Dược liệu TH (TH Herbals) nhận chuyển giao từ Công ty CP Dược liệu Mường Lống (xã Mường Lống, H. Kỳ Sơn, Nghệ An) khu nhà văn phòng và vườn ươm của trạm thực nghiệm.
Sau đó, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, TH Herbals đã đầu tư, biến nơi đây thành khu bảo tồn và trồng dược liệu hiệu quả, rộng lớn hơn, góp phần bảo vệ rừng và phát triển sinh kế, đời sống của bà con dân bản.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc TH Herbals, cho biết, ngoài việc đầu tư về mảng thực phẩm như sữa (với thương hiệu TH true MILK), rau củ (thương hiệu FVF), du lịch… thì Tập đoàn TH luôn hướng đến bảo tồn, phát triển sản phẩm từ thảo dược tự nhiên.
“Việt Nam có nguồn thực vật đa dạng, phong phú và có nền y học cổ truyền lâu đời. Tập đoàn TH luôn chú ý đến việc phục hồi và bảo tồn, phát triển dược liệu để mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho mọi người”, ông Trung nói.
Những thảo dược quý được TH Herbals ươm trồng, bảo tồn tại Mường Lống |
True Milk |
Với định hướng đó, TH Herbals đã khôi phục, tìm tòi, nghiên cứu những cây thuốc, dược liệu quý để tiến hành nhân giống, ươm trồng và tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Doanh nghiệp này đang bảo tồn hơn 40 loài cây thuốc quý bản địa, các cây thuốc trong danh mục thuốc nam của Bộ Y tế như: sâm Puxalaileng, đỗ trọng, gừng tím, cà gai leo…
Ngoài công tác bảo tồn, những cây dược liệu như giảo cổ lam, linh chi, lạc tiên, đảng sâm bảy lá một hoa, tam thất bắc, hà thủ ô, lan thạch hộc… được trồng trọt, chế biến thành các sản phẩm như trà thảo dược và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
“Công ty trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước để bảo vệ rừng và nâng cao giá trị kinh tế cây trồng, thay vì để bà con chặt, đốt nương làm rẫy, trồng cây dược liệu giúp bảo vệ môi trường, giữ rừng, đồng thời tăng nguồn sinh kế, thu nhập cho bà con”, ông Trung cho biết.
TH Herbals canh tác thảo dược dưới tán rừng và hướng dẫn bà con vùng dự án học tập, triển khai mô hình |
True Milk |
Xã Mường Lống có độ cao hơn 1800 m (vị trí địa lý cao nhất tại Nghệ An), khí hậu quanh năm mát mẻ. Sau khi tiếp nhận khoảng 136 ha, TH Herbals đã đầu tư thành những nông trại dược liệu.
“Ở những vùng kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc hạn chế về trình độ văn hóa, trình độ của người lao động chưa cao, chi phí đầu tư sẽ cao hơn. Công ty nhận ra những vấn đề khó khăn đó nhưng nhìn thấy giá trị về sức khỏe cho con người nên chúng tôi vẫn quyết tâm làm”, ông Trung nói.
Về giống, công ty thu mua các loại cây dược liệu từ người dân bản địa và các đơn vị cung cấp giống. Đất được cải tạo bằng phân chuồng và phân vi sinh, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học. Công ty đã đầu tư xưởng sản xuất, chế biến dược liệu thu hoạch thành những sản phẩm bảo vệ sức khỏe như tinh dầu bạc hà, tinh dầu hương nhu, xà bông, dầu gội đầu, đồ uống thảo dược...
“Chúng tôi cũng làm mô hình tiên phong để bà còn cùng làm theo, trồng cây dược liệu dưới tán rừng rồi bán cho công ty. Cách làm này hiệu quả hơn nhiều so với chặt cây làm rẫy như trước”, ông Trung chia sẻ.
Một khu ươm trồng cây giống thảo dược của TH Herbals tại Mường Lống |
True Milk |
Đổi thay đời sống kinh tế - xã hội vùng sâu
Cũng theo ông Trung, việc đầu tư trồng cây dược liệu tại Mường Lống giúp đời sống của bà con dân tộc khởi sắc, các hoạt động giao thương trở nên tấp nập. Nguồn nhân công từ địa phương góp phần tạo kế sinh nhai cho bà con dân bản.
“Ngày trước, bà con chỉ làm nương, làm rẫy, nhưng giờ làm công nhân của công ty, có nguồn lương ổn định, được đóng BHYT, BHXH đầy đủ và quen với tác phong làm việc có tổ chức. Việc quy hoạch, xây dựng nhà cửa, cơ sở sản xuất của công ty cũng giúp Mường Lống trở thành điểm sáng về du lịch. Giống như người Hà Nội lên Sa Pa tận hưởng không khí trong lành thì người dân TP.Vinh cũng lên Mường Lống để ngắm nhìn cổng trời, săn mây, thưởng thức cái lạnh. Khu bảo tồn dược liệu của công ty cũng trở thành điểm chụp ảnh vì sự ngăn nắp, đẹp đẽ khác hẳn với trước đây”, ông Trung cho biết thêm.
Anh Lỳ Bá Dũng (36 tuổi, công nhân công ty) cho hay, trước đây anh làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong gia đình theo mô hình tự cung tự cấp, thu nhập không đáng là bao. Từ khi Tập đoàn TH về làm dược liệu, anh chuyển sang làm và gắn bó đến giờ.
“Công việc của tôi và các công nhân khác là hỗ trợ sản xuất, chăm sóc dược liệu với thu nhập hàng tháng khoảng 8 triệu đồng. Cuộc sống ổn định hơn, con cái học hành đầy đủ, nên chúng tôi thoải mái, yên tâm làm việc”, anh Dũng chia sẻ.
Bình luận (0)