Thất bại trong dự án đầu tiên về môi trường
Mắc dị tật ở chân khi vừa lọt lòng, từ nhỏ Lê Văn Tuân (38 tuổi, thôn Thượng, xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) đã chịu nhiều thiệt thòi so với bao đứa trẻ khác khi phải thường xuyên đến bệnh viện hơn là đến trường.
Với căn bệnh u máu, tuổi thơ của anh Tuân không có gì đáng nhớ ngoài việc bị cơn đau hành hạ thường xuyên. Thậm chí, lên năm lớp 11, anh phải bỏ học vì bệnh tình quá nghiêm trọng.
Cánh cổng đại học theo đó đóng lại với Tuân. Tuy nhiên, anh thường sáng tác thơ, viết tiểu thuyết để mình thật bận rộn, quên đi nỗi buồn. Lúc đó, nguồn cảm hứng sáng tác của anh xuất phát từ việc bảo vệ môi trường, khôi phục lại những nguồn nguyên liệu hiếm có từ xa xưa.
Anh Tuân tự tìm thấy động lực thành lập dự án “Con đường màu xanh” qua những bài thơ, tiểu thuyết mà chính anh sáng tác |
BÁ CƯỜNG |
“Vào năm 2008, tôi lập ra dự án 'Con đường màu xanh' và được Sở Khoa học và Công nghệ giới thiệu, động viên mang dự án trình làng để kêu gọi nguồn vốn thực hiện”, anh Tuân chia sẻ.
Dự án “Con đường màu xanh” là nhằm mục tiêu tận dụng chất thải từ chăn nuôi lợn để làm khí biogas và khôi phục cây dược liệu ở địa phương. Đây là dự án anh Tuân dồn nhiều tâm huyết thực hiện, hướng dẫn cho bà con về lợi ích khi xây hầm biogas. Tuy nhiên, lúc đó khái niệm về khí biogas vẫn còn là điều lạ lẫm với người nông dân. Sau 5 năm, dự án thất bại vì anh Tuân không tìm được bạn đồng hành.
Từ thất bại, đi lên với loài cỏ lạ
Dự án thất bại nhưng vẫn không làm anh Tuân nản chí. Biết được vùng quê của mình có cây cỏ cú mật, một loại cây rất tốt cho sức khỏe nhưng đang dần khan hiếm, anh Tuân quyết tâm tìm bằng được loại cây này để phục hồi, nhân giống trồng.
“Cây cỏ cú có rất nhiều loại. Một loại thường mọc dại ở bờ biển, bờ sông hay còn gọi là cây cú dại được người dân hiểu nhầm hái về làm thuốc nhưng không mang lại hiệu quả. Loại cỏ có củ màu huyết thẫm, lá dài không có lông măng, rễ đâm sâu xuống đất hơn 1 m mới đúng là cây cỏ cú mật chứa nhiều dinh dưỡng”, anh Tuân chia sẻ.
Củ cây cú mật, loại dược liệu quý rất tốt cho sức khỏe được anh Tuân bỏ công tìm kiếm gần một thập niên qua |
BÁ CƯỜNG |
Trong một chuyến đi công tác vào năm 2017, anh Tuân tình cờ tìm được 10 cây cú mật sau gần một thập niên tìm kiếm và bỏ công nghiên cứu. Anh Tuân mang về nhân giống thành công ngay trong vườn của mình. Sau 3 năm vừa cải tạo môi trường sống vừa nhân giống, đến nay số lượng cây đã tăng lên vài nghìn.
Năm 2020, với khu vườn có diện tích gần 800 m2, anh Tuân thu được gần 3 tạ củ cây cú mật sau vụ đầu tiên. Sau khi thu hoạch, củ được rửa sạch, phơi khô và bán ra với giá 700.000 đồng/1kg củ khô và 300.000 đồng/1kg củ héo, mang lại doanh thu 30 triệu đồng và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.
Anh Tuân trong vườn cỏ cú mật do mình gầy dựng |
BÁ CƯỜNG |
Dù giá thành cao cho một loại cây chỉ được coi như cỏ dại nhưng nhiều người vẫn tìm mua sản phẩm của anh Tuân. Khách hàng thường dùng củ thô mang phơi khô rồi đun với nước uống hoặc xát thành bột chế biến thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe.
“Trong mùa vụ đầu tiên, tôi thu được 3 tạ, vẫn là chưa đủ để đáp ứng đầu ra. Nhiều người biết công dụng loại cây này đến hỏi mua nhưng tôi không có nhiều hàng để bán”, anh Tuân nói.
Trong tương lai, anh Tuân dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ cú mật, tận dụng củ cây cú mật để sản xuất tinh bột, chế biến nước hoa và cố gắng nâng tầm loại cây này thành một đặc sản trên vùng quê của mình.
Sản phẩm từ cây cỏ mật là bài thuốc được nhiều người tìm dùng |
BÁ CƯỜNG |
Những người có ý chí vượt khó như anh Tuân chính là động lực cho những người khuyết tật khác vượt qua khó khăn của mình, ông Ngô Lê Duy, Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh, cho biết.
Ông Duy nói thêm: “Bên cạnh mô hình trồng cỏ cú mật rất lạ, anh Tuân còn có nhiều mô hình kinh doanh nông nghiệp khác thu lại hiệu quả cao, giúp ích cho bà con nông dân trên địa bàn. Anh cũng là thành viên của CLB Thanh niên khuyết tật huyện, rất tích cực tham gia các hoạt động nhất là hoạt động từ thiện".
Bình luận (0)