Bảo tồn, phát huy văn hóa Đông Sơn

10/08/2024 07:00 GMT+7

Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã có những công trình nghiên cứu khẳng định thêm về vai trò, vị trí của văn hóa Đông Sơn trong tiến trình hình thành, phát triển của VN.

Ngày 9.8, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học "Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị", nhằm đánh giá những thành tựu, thực trạng trong công tác bảo tồn, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn.

Kỹ thuật luyện kim văn hóa Đông Sơn phát triển đến đỉnh cao

Năm 2024 đánh dấu tròn 100 năm phát hiện văn hóa Đông Sơn, kể từ lần đầu tiên người Pháp khai quật năm 1924, tại làng Đông Sơn (P.Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa ngày nay). Sau nhiều năm nghiên cứu, giới chuyên môn khẳng định phạm vi văn hóa Đông Sơn rất rộng, phân bố trên các vùng đất chân đồi, nằm ven sông, ven suối, các ngã ba sông lớn, vùng đồng bằng hẹp giữa các chi lưu sông, suối, thành từng cụm ở các tỉnh miền núi, đồng bằng ven biển, thuộc các tỉnh biên giới phía bắc đến tận vùng Đèo Ngang của Quảng Bình.

Bảo tồn, phát huy văn hóa Đông Sơn- Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu thăm khu vực khai quật tại làng Đông Sơn (P.Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa)

PHÚC NGƯ

Theo PGS-TS Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học VN), kể từ khi phát hiện văn hóa Đông Sơn đến nay, đã phát hiện được 452 di tích thuộc nền văn hóa này và hơn 300 di tích trống đồng. Mật độ phân bố các di tích không đều nhau, tập trung dày đặc ở các vùng đồng bằng, châu thổ lưu vực các sông Hồng và sông Mã, là những nơi có điều kiện thuận tiện cho cư dân Đông Sơn sinh sống, phát triển và tạo dựng nên văn minh người Việt cổ.

Cũng theo ông Liêm, từ sự phân bố của các di tích đã chứng minh cho quá trình dần chiếm lĩnh và làm chủ các vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã và sông Cả của người Việt cổ. Cuối cùng, sự phân bố của các di tích tạo thành các trung tâm kinh tế - văn hóa Đông Sơn đã góp phần gợi nên mối liên hệ với sử liệu thành văn để tìm hiểu về các bộ lạc, bộ tộc hình thành nên nhà nước sơ khai thời các vua Hùng.

Về kỹ thuật luyện kim của nền văn hóa Đông Sơn, ông Liêm cho rằng đã phát triển đến đỉnh cao. Trong đó, đồ đồng được sử dụng ở mọi lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần, gồm các loại công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ, đồ trang sức… Tiêu biểu như thạp, thố đồng, trống đồng.

Nghiên cứu chung của PGS-TS Nguyễn Khắc Sử và PGS-TS Bùi Chí Hoàng (Hội Khảo cổ học VN) thì cho rằng cộng đồng cư dân văn hóa Đông Sơn phân bố tập trung ở lưu vực 3 sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Cả, nhưng có sự thống nhất về nội dung của cộng đồng cư dân nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, biết chăn nuôi trâu, lợn, gà, phát triển thủ công như nghề mộc, sơn, làm gốm, đặc biệt là luyện kim và chế tác kim loại đồng, sắt.

Với riêng cộng đồng cư dân văn hóa Đông Sơn ở vùng sông Mã (địa phận Thanh Hóa) có những nét riêng, có mối quan hệ đa chiều. Trong đó, tiêu biểu cho hệ thống các di tích văn hóa Đông Sơn vùng sông Mã là các địa điểm Đông Sơn, Thiệu Dương và Núi Nấp ở Thanh Hóa.

Bảo tồn, phát huy văn hóa Đông Sơn- Ảnh 2.

Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu, thực trạng trong công tác bảo tồn, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

PHÚC NGƯ

Tiếp tục nghiên cứu vì thế hệ sau

Từ những kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá văn hóa Đông Sơn đã có những đóng góp rất lớn, cơ bản vào lịch sử bình minh của dân tộc VN, là nền tảng cho sự hình thành nhà nước đầu tiên của người Việt cổ. Và sự ra đời, phát triển của nhà nước thời Hùng Vương là đóng góp lớn nhất của văn hóa Đông Sơn. Cũng từ tư liệu khảo cổ học và truyền thuyết đã cho thấy vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, xã hội có nhiều chuyển biến sâu sắc và toàn diện.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng để bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của văn hóa Đông Sơn, cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề, như: nghiên cứu sâu hơn về thời kỳ tiền Đông Sơn ở loại hình sông Cả; thời điểm ra đời, kiểu/dạng/mô hình nhà nước sớm thời Đông Sơn như thế nào; vì sao trống đồng Đông Sơn ở miền Trung, đặc biệt là Tây nguyên, lại được phát hiện với số lượng lớn, thậm chí nhiều hơn cả vùng địa bàn gốc của trống đồng Đông Sơn; vì sao các di tích mộ thuyền được phát hiện rất nhiều ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nhưng mối liên hệ giữa khu vực cư trú và khu mộ táng đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng…

Tại hội thảo, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết văn hóa Đông Sơn là niềm tự hào của VN nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Do đó, việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa có tính cấp thiết.

Theo ông Tùng, việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa thực tiễn trong việc bổ sung luận cứ khoa học xác đáng, nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của nền văn hóa Đông Sơn trong diễn trình lịch sử dân tộc nói chung và với quê hương Thanh Hóa nói riêng suốt 100 năm qua. Từ đó, giúp cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Thanh Hóa thêm hiểu biết sâu sắc và tự hào về truyền thống, lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước.

Cuộc khai quật đầu tiên được thực hiện vào năm 1924 tại tỉnh Thanh Hóa, do một người Pháp thực hiện. Đến năm 1929 được công bố trong báo cáo của V.Goloubew trong tập san Viễn Đông Bác Cổ, tập 19 (Thời đại đồ đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ), và phải tới 5 năm sau, khái niệm văn hóa Đông Sơn mới được đặt ra.

Niên đại chung cho văn hóa Đông Sơn bắt đầu khoảng thế kỷ 8 trước Công nguyên và kết thúc vào thế kỷ 2 sau Công nguyên. Trong đó, niên đại Đông Sơn sớm từ thế kỷ 8-6 trước Công nguyên, niên đại Đông Sơn điển hình từ thế kỷ 5-3 trước Công nguyên, và niên đại Đông Sơn muộn từ thế kỷ 2 trước Công nguyên - thế kỷ 2 sau Công nguyên. Đông Sơn là một làng nằm cạnh bờ sông Mã (nay thuộc P.Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa). Địa danh Đông Sơn được dùng để đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ thời đại đồ sắt sơ kỳ nổi tiếng ở VN - nền văn hóa Đông Sơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.