'Giải mã' văn hóa Đông Sơn: Cành hoa trên tượng chim bồ nông

28/06/2024 07:33 GMT+7

Việc tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của những hoa văn trên trống đồng và các hiện vật ở nền văn hóa Đông Sơn là một đề tài luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu, bởi đó là thông điệp được gửi gắm vào tác phẩm của các nghệ nhân xưa, đồng thời cũng nói lên óc thẩm mỹ và cũng là đặc trưng văn hóa của xã hội đương thời.

Một tượng chim bằng đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn, hiện đang lưu giữ tại Musée Barbier-Mueller (Thụy Sĩ). Điều đáng nói là mắt của chim lại thể hiện là một bông hoa, đặc biệt hoa đó lại có cả cành lá kéo dài xuống phần mỏ dưới của chim. Đặc điểm của hoa là một vòng tròn có chấm giữa, xung quanh có rất nhiều cánh nhỏ. Còn cành lá là những đường như gạch chéo đối xứng ở hai bên.

1a.jpg

Tượng chim bằng đồng ở Musée Barbier-Mueller

Tư liệu

Về hiện tượng này, nói đúng ra đây không phải là trang trí mà cành hoa đó được áp vào chim (tức là sự cố tình có mục đích), trong đó hoa được lấy làm mắt, với chủ ý chỉ có thể được giải thích hoa đó là hoa thiêng, đồng thời với đặc điểm của hoa và ở đầu cành là hoa thì đây có lẽ là loài cúc, có lẽ đây là cách thể hiện cúc hóa chim.

Thông điệp này đã chỉ ra 2 vấn đề: Một là vòng tròn có chấm giữa là hoa cúc và đôi khi cũng là mắt, tùy từng trường hợp, nếu nó nằm ở vị trí mắt thì là mắt, còn vị trí khác là hoa cúc. Ngoài ra, phát hiện này cũng là minh chứng cho cành hoa trên mũi thuyền ở trống Hoàng Hạ là chính xác.

Những cây hoa trên trống đồng Thành Công

Trống hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Thanh Hóa. Điều được quan tâm là trên mặt trống tại vành hoa văn thứ 5 có 28 cây với đặc điểm: Chúng giống nhau, mỗi cây có 2 cành, trong đó một cành cong về bên trái và ở dưới có vòng tròn đồng tâm có chấm giữa. Cành còn lại thể hiện thẳng và chỉ có lá ở hai bên. Ngoài ra ở bên trái mỗi cây còn có 4 gạch ngang song song.

Về những cây này, trong đó riêng về cành lá có vòng tròn đồng tâm có chấm giữa thì chúng ta đã biết, vòng tròn đồng tâm đó chính là cách thể hiện giản lược và cô đọng về hoa cúc. Nhìn chung, cành lá có hoa này cũng tương tự cành hoa được áp vào mắt chim và trên mũi thuyền ở trống Hoàng Hạ nêu trên. Ở đây chúng được trang trí trên mặt trống chắc chắn cũng là với ý đồ nói về một loại hoa thiêng và đó có lẽ là hoa cúc. Điều thú vị là, với cách thể hiện của các nghệ nhân xưa, trông chúng cứ như những cờ hoa đang diễu hành quanh mặt trời theo hướng thuận chiều kim đồng hồ.

1b.jpg

Bản vẽ cành hoa ở mắt và mỏ chim

Vũ Kim Lộc

1d.jpg

Nhành cây bằng đồng

Art of the bronze age in Southeast Asia


Được in trong ấn phẩm Art of the bronze age in Southeast Asia với nội dung: "Một nhành cây hiếm của mạch sống. Văn hóa Đông Sơn hoặc thời kỳ Giao Chỉ, Việt Nam. Niên đại 300 BC - 100 AD. Đồng thau, cao 10,8 cm". Cây được miêu tả: "Những nụ hoa sắp nở và một chú chim dường như đang bay ra từ đầu cành hoa này. Món đồ đồng tinh tế và độc đáo này thể hiện một cách hoàn hảo sự tinh tế của văn hóa vật chất Đông Sơn và sự làm chủ công nghệ trong quá trình đúc đồng".

Về nhành cây, qua xem xét trong ảnh cho thấy nó đã bị gãy mất phần dưới và hai lá ở bên trái. Điều đáng nói là khi đối chiếu nhành cây này với những nhành cây được thể hiện xen kẽ giữa các tia mặt trời ở trống đồng Thanh Hóa cho thấy, tuy một đằng thể hiện là tượng và một đằng là khắc họa nhưng chúng giống nhau, đó là các lá đối xứng ở hai bên. Rất có thể chúng cùng là một giống loại.

1c.jpg

Những cây hoa trên trống đồng Thành Công

Bảo tàng Thanh Hóa

1e.jpg

Mặt trời trên trống đồng Thanh Hóa

Dong Son drums in Vietnam

Về trống Thanh Hóa, như chúng ta đã biết, trống đã được phân tích kỹ trong sách Mặt trời & Hoa cúc - Biểu tượng vương quyền Việt Nam (NXB Thông tin và Truyền thông 2024, tr.36). Những nhành cây đó cùng với những cánh hoa được áp vào xen kẽ giữa các tia mặt trời và đã được chứng minh là loài cúc.

Như vậy, sự phát hiện nhành cây bằng đồng này là thêm một minh chứng thuyết phục về một loại cây thiêng trong văn hóa Đông Sơn. Ngoài ra, những nhành cây này khi đối chiếu với cái gọi là hoa văn bông lúa rất được phổ biến trên trống đồng cho thấy có sự giống nhau.

Với phát hiện này, văn bông lúa đó có lẽ là văn cành lá thì đúng hơn.

Tóm lại, các phát hiện nêu trên là những minh chứng cụ thể bằng hiện vật, góp phần làm sáng tỏ hơn nền văn hóa Đông Sơn. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.