Phát hiện cỗ xe mặt trời của nền văn hóa Đông Sơn

 Vũ Kim Lộc
Nhà nghiên cứu
26/05/2024 07:30 GMT+7

Vừa qua, thông tin về 2 bộ giáp phục thời Đông Sơn được TS Nguyễn Việt phản ánh trong bài 'Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 8): Bí ẩn giáp phục Đông Sơn' đăng trên Báo Thể thao Văn hóa ngày 11.5 đã gây xôn xao trên mạng xã hội.

Nhân đây tôi cũng xin nói về một bộ giáp phục trong 2 bộ được TS Nguyễn Việt nói đến, nhưng chỉ xoay quanh về hình mặt người được khắc họa trên bộ giáp phục này. Bộ giáp trước kia thuộc sưu tập của ông Lê Ánh ở Hà Nội. Tất cả hiện còn 14 mảnh bằng đồng, trong đó 1 mảnh dài và cong, kích thước đo theo chiều cong là dài 42 cm. 13 mảnh còn lại có hình chữ nhật, trong đó 4 mảnh có khổ 10 cm x 15 cm, 5 mảnh 9 cm x 12cm, 4 mảnh 8 cm x 12 cm, tất cả có độ dày 1-2 cm. Ông Ánh cho biết các mảnh này được tìm thấy ở tỉnh Tuyên Quang.

Phát hiện cỗ xe mặt trời của nền văn hóa Đông Sơn- Ảnh 1.

Mảnh đồng thứ nhất

Lê Ánh

Qua xem xét 13 mảnh nhỏ hình chữ nhật cho thấy chúng đều có lỗ nhỏ ở bốn góc để khâu kết lại với nhau. Còn hoa văn trang trí thì có 4 mảnh trang trí hình mặt người giống nhau và ở cạnh trên có hàng hoa văn răng cưa, trong đó có 2 mảnh còn rõ. 6 mảnh trang trí hình con rùa giống nhau thì 3 mảnh rõ, cạnh trên cũng có hàng hoa văn răng cưa. 3 mảnh còn lại thì do gỉ đồng sùi và đất cát dính nên không biết có hoa văn hay không.

Hình mặt người ở 2 mảnh còn rõ có khổ 9 x 12 cm (2 mảnh hoa văn mờ 10 x 15 cm). Mảnh thứ nhất: Mặt người còn nguyên, hoa văn xung quanh mặt người cũng gần như nguyên vẹn. Mảnh thứ hai: Mặt người và hoa văn xung quanh bị gỉ đồng và đất cát phủ mất phân nửa, nhưng cũng cho biết giống với mặt người và hoa văn ở mảnh thứ nhất.

Hình mặt người trên giáp phục là một hiện tượng rất đặc biệt và cũng là lần đầu tiên được biết đến. Theo TS Nguyễn Việt trong bài báo nêu trên, hình mặt người đó là tượng trưng cho thần bất tử hộ mệnh. Tôi đồng quan điểm với nhận định này. Tuy nhiên, ở một góc độ khác tôi lại thấy hình mặt người đó như sau:

Để rõ ràng hơn, tôi đã đồ lại hình ảnh ở mảnh thứ nhất thành một bản vẽ và cho thấy: Tại vùng trán có một hình giống như hình elip dài nằm ngang, ở giữa hình elip này có một hình thoi nhỏ và bên trong có chấm tròn. Phía dưới sát với hình elip là hai mắt nhỏ ở hai bên, mắt có hình thoi và con ngươi cũng hình thoi. Giữa hai mắt là sống mũi kéo dài xuống, mũi cũng có cánh ở hai bên. Dưới mũi là miệng có hình thoi, giữa miệng là hình chữ nhật nhỏ. Xung quanh khuôn mặt được bao bọc bởi các hoa văn như: Phía trên đầu là hai hình cuốn đối xứng, hai bên má là hai đường viền có hoa văn răng cưa chĩa ra, trong đường viền và các răng cưa có các chấm nhỏ. Phía dưới cằm là hai hình tròn trông như hai bông hoa nhưng cũng giống như hai bánh xe.

Về sự lạ lùng này, trước tiên tôi nhận thấy hai hình cuốn trên đầu là hình tượng rất quen thuộc thường được thể hiện trên chuôi kiếm, và ở dao găm thuộc văn hóa Đông Sơn, đây có lẽ là hai bông hoa được cách điệu theo lối nhìn ngang. Tiếp đến là hoa văn răng cưa ở đường viền hai bên má mặt người và ở cạnh trên thì lại càng là đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Vấn đề còn lại cần được giải mã là hình elip ở trên trán và hai hình tròn ở dưới cằm mặt người.

Phát hiện cỗ xe mặt trời của nền văn hóa Đông Sơn- Ảnh 2.

Mảnh đồng thứ hai

Lê Ánh

Về hình elip ở trên trán, qua xem xét cho thấy không thể là lông mày, bởi bên trong nó có hình thoi và chấm tròn ở giữa, đây rất có thể là con mắt thứ 3. Thế nhưng ở đây mắt lại được thể hiện nằm ngang và khác với mắt thứ 3 của thần Siva trong đạo Hindu của Ấn Độ là được thể hiện nằm dọc. Mặc dầu là vậy, nhưng với con mắt thứ 3 thì đây phải là khuôn mặt của một vị thần tối cao của nền văn hóa Đông Sơn.

Về hai hình tròn ở dưới mặt người: Qua xem xét cả hai mặt người ở 2 mảnh đồng cho thấy chúng đều được thể hiện giống nhau. Nếu là bánh xe thì mỗi bánh đều có 15 nan hoa. Còn nếu là hoa thì mỗi hoa đều có 15 cánh. Tuy nhiên, khi soi kỹ thì cho thấy chúng có vòng ngoài không liền lạc, mà là những nét gạch ngắn nối tiếp. Riêng hình tròn bên trái thuộc mảnh đồng thứ nhất, bên trong không phải là giống như nan hoa mà là 15 vết lõm có hình những cánh hoa và trông rất giống với hoa cúc. Dấu hiệu này đã chỉ ra những nét gạch ngắn ở vòng ngoài hình tròn chính là đầu những cánh hoa. Thế nhưng ở giữa hoa là vòng tròn ở trong có chấm nhỏ lại cho thấy như kiểu ổ trục của bánh xe. Hình như dấu hiệu này cho biết chúng đã được thể hiện vừa là bánh xe vừa là hoa cúc.

Phát hiện cỗ xe mặt trời của nền văn hóa Đông Sơn- Ảnh 3.

Bản vẽ của tác giả Vũ Kim Lộc

Nếu đúng như những phân tích nêu trên thì với bố cục hai đường viền ở hai bên má mặt người cho thấy như là bộ khung kết nối giữa hai hình hoa cách điệu phía trên và hai bánh xe hình hoa cúc ở dưới đã chỉ ra: Đây là một cỗ xe hoa cúc hoàn hảo. Như vậy, liên quan đến hoa cúc và thần tối cao của văn hóa Đông Sơn thì chỉ là mặt trời và khuôn mặt trên xe có lẽ cũng chính là thần. Điều thú vị là cỗ xe này khác hẳn với cỗ xe một bánh có bảy ngựa kéo của thần mặt trời (Surya) trong đạo Hindu của Ấn Độ. Ngoài ra, phát hiện này còn cho biết quan niệm về thần mặt trời của văn hóa Đông Sơn không chỉ là hình ảnh thực tế như trên trống đồng, mà còn là một vị thần có con mắt thứ 3 được ngự trị trên một cỗ xe hoa cúc.

Nhìn chung, đây là một phát hiện mới, cho phép chúng ta khẳng định chủ nhân của bộ giáp phục này có địa vị rất cao trong xã hội đương thời. Phát hiện này rất cần được nghiên cứu tiếp, đồng thời cũng mở ra một hướng tiếp cận mới trong nhiều bí ẩn chưa được khám phá của văn hóa, tín ngưỡng ở thời Đông Sơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.