'Giải mã' văn hóa Đông Sơn: Hoa văn hình răng cưa

29/06/2024 06:04 GMT+7

Vì hoa văn giống với răng cưa nên đã được các nhà nghiên cứu gọi như vậy. Loại hoa văn này rất phổ biến và còn là một trong những đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, nhất là trên trống đồng, thường được thể hiện thành những vành tròn phổ biến trên mặt và thân trống.

Đặc biệt còn có những trống được thể hiện chủ đạo là hoa văn này. Như ở nhóm A là trống Quảng Chính, Làng Vạc II. Nhóm B là trống Giảo Tất, Đông Sơn IV, Làng Vạc IV. Ngoài ra, hoa văn răng cưa còn được thể hiện trên thạp đồng, rìu đồng, giáp phục và nhiều hiện vật khác.

'Giải mã' văn hóa Đông Sơn: Hoa văn hình răng cưa- Ảnh 1.

Hoa văn răng cưa và tia mặt trời ở trống Đông Sơn IV

Nguồn: Dong Son drums in Viet Nam

Thực ra nếu như đối chiếu hoa văn này với những tia của mặt trời được thể hiện ngắn, như mặt trời ở trống Làng Vạc II, Giảo Tất, Đông Sơn IV, Làng Vạc IV, Mông Sơn, nhất là trống minh khí, thì rõ ràng là hoa văn răng cưa và các tia mặt trời chẳng khác gì nhau. Có lẽ đây là cách thể hiện với tư tưởng tôn kính mặt trời trong tạo hình của nghệ nhân Đông Sơn, nên đã sử dụng các tia mặt trời để trang trí nhằm mục đích tăng phần rực rỡ và linh thiêng. Nếu vậy, hoa văn răng cưa sẽ có tên là hoa văn tia mặt trời.

Hoa văn hình răng lược với đặc điểm gồm nhiều đường gạch nhỏ và ngắn gần như song song, trông cũng giống với răng lược nên cũng được các nhà nghiên cứu gọi như vậy. Hoa văn răng lược cũng được trang trí rất phổ biến trên trống đồng, có những trống được thể hiện chủ đạo là hoa văn này, như trống Định Công, Vĩnh Ninh, Đá Đỏ I, Hà Nội III…

'Giải mã' văn hóa Đông Sơn: Hoa văn hình răng cưa- Ảnh 2.

Hoa văn răng lược ở trống Tùng Lâm I

Nguồn: Dong Son drums in Viet Nam

Nhìn chung, qua xem xét cho thấy hoa văn răng lược ngoài được thể hiện là những vành tròn trên mặt và thân trống ra, nó còn được thể hiện là các tia giống như hào quang ở đầu những cánh hoa và vòng tròn có chấm giữa được xen kẽ giữa các tia mặt trời. Đặc biệt là ở trống Tùng Lâm I, hoa văn còn cho thấy rõ là những tia hào quang của mặt trời (hiện tượng quang học). Trên những cơ sở nêu trên, chúng tôi cho rằng đó là những tia hào quang của hoa cúc và mặt trời mà nghệ nhân xưa đã biểu đạt. Nếu vậy, hoa văn răng lược này sẽ có tên là tia hào quang.

'Giải mã' văn hóa Đông Sơn: Hoa văn hình răng cưa- Ảnh 3.

Rìu có lưỡi hình lá cây

Nguồn: Bảo tàng Thanh Hóa

Lưỡi rìu có hình lá cây

Một chiếc rìu lưỡi xéo đăng trong ấn phẩm Sưu tập cổ vật tiêu biểu văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Thanh Hóa (tr.45) đã được các nhà nghiên cứu cho rằng nó có phần lưỡi xéo hình thuyền.

'Giải mã' văn hóa Đông Sơn: Hoa văn hình răng cưa- Ảnh 4.

Chim có đuôi hình hoa, ở trống Phú Xuyên

Nguồn: Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam

Tuy nhiên, qua xem xét tôi lại nhận thấy phần lưỡi xéo đó là hình chiếc lá với đầy đủ gân lá. Điều thú vị ở chỗ là với một chiếc lá rất mong manh và mềm yếu, nhưng nghệ nhân Đông Sơn vẫn có cảm hứng để áp vào một thứ chuyên chặt chém rất mạnh mẽ. Hình như hình chiếc lá được áp vào với ý nghĩa thiêng nào đó của loài thực vật này.

Cánh chim hình lá cây và đuôi chim hình hoa

Đó là hình ảnh chim bồ nông trên một số trống đồng. Như những hình chim ở tang trống Hòa Bình, in trong ấn phẩm Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam (tr.226), các nghệ nhân Đông Sơn đã cố tình áp hình chiếc lá vào cánh của chim. Tiếp đến là hình chim trên trống Phú Xuyên (cũng được in trong ấn phẩm nêu trên), một hình hoa cũng được cố tình áp vào phần đuôi của chim.

'Giải mã' văn hóa Đông Sơn: Hoa văn hình răng cưa- Ảnh 5.

Chim có cánh hình lá cây, ở trống Hòa Bình

Nguồn: Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam

Về hiện tượng này, phải chăng thông điệp của nghệ nhân xưa là muốn nói về một loại thực vật linh thiêng đã hóa chim bồ nông? Để rồi về sau ở các triều đại quân chủ là các hiện tượng cúc hóa phượng, hóa rồng…

***

Về các hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn, phổ biến nhất là 6 loại hoa văn: 1/ Hoa văn hình vòng tròn đồng tâm có chấm giữa hay vòng tròn có chấm giữa, 2/ Hoa văn hình bông lúa, 3/ Hoa văn hình răng cưa, 4/ Hoa văn hình răng lược, 5/ Hoa văn hình chữ V lồng, 6/ Hoa văn tam giác phủ gạch chéo. Trong đó chỉ còn loại hoa văn chữ V lồng và tam giác phủ gạch chéo là chưa được giải mã. Về hai loại hoa văn này, thực ra chúng chỉ được thể hiện trong phạm vi hẹp, đó là ở giữa khoảng cách các tia mặt trời. Đặc biệt còn có những trống thể hiện cả hai là vừa chữ V lồng và tam giác phủ gạch chéo xen kẽ giữa các tia mặt trời như: Trống Phú Xuyên (nhóm A), Thiết Cương, Quảng Thắng I (nhóm B). Qua xem xét trên nhiều trống cho thấy chúng không mang ý nghĩa gì mà chỉ là dạng hoa văn nền để làm nổi bật các tia mặt trời, giống như văn chứng cá trong nghệ thuật kim hoàn.

Về hoa lá được áp vào lưỡi rìu và chim, đây rõ ràng là một sự cố tình để nói về một loại cây thiêng của các nghệ nhân Đông Sơn. Với các chứng cứ này đã chỉ ra rằng, văn hóa Đông Sơn sẽ còn rất nhiều những vấn đề trong đời sống xã hội và tâm linh chưa được khám phá. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.