Nhiều người cho rằng “Bảo tồn và phát triển” là hai phạm trù đối lập, không thể đồng hành? Hễ bảo tồn thì không thể phát triển và ngược lại…
|
Chưa bao giờ, cặp phạm trù này lại trở thành đề tài nóng hổi, được bàn luận sôi nổi, thậm chí trong mỗi gia đình, như hiện nay. Cũng như nhiều vấn đề đang tranh cãi, cộng đồng chia làm 3 phe: phát triển hoặc bảo tồn. Hai phe đều cực đoan bảo vệ quan điểm. Phe thứ 3 chủ trương có thể dung hòa. Tôi thuộc phe thứ 3.
Không có người dân nào muốn đất nước dậm chân tại chỗ. Cũng không có người dân nào muốn xóa bỏ quá khứ. Tại sao không thể dung hòa. Phát triển mà xem nhẹ bảo tồn thì thiếu bền vững. Bảo tồn mà cứng nhắc thì sẽ chậm tiến. Vẫn có những nước phát triển tốt mà vẫn bảo tồn tích cực. Ai từng đến Paris, kinh đô ánh sáng của châu u, hẳn không khỏi ngạc nhiên vì sự phát triển tương phản. “Paris cũ” cổ kính, trầm mặc, đằm thắm bên cạnh “Paris mới” trẻ trung, sôi động và lịch lãm. Thượng Hải cũng vậy. Khu phố đông với những cao ốc sừng sững, ngạo nghễ, hiện đại và tấp nập; bên cạnh phố xưa, nhà cổ vẫn nhộn nhịp như một sự kết nối và kế thừa có hệ thống.
Sự phát triển khôn ngoan nhất là biết bảo tồn để phát triển. Việt Nam đi sau thiên hạ, có quá nhiều bài học xương máu của các nước về bảo tồn và phát triển. Hà cớ gì cứ nhắm mắt khăng khăng phải bảo tồn trong nghèo đói hoặc chỉ lo phát triển mà không ngần ngại xóa sạch dấu tích của quá khứ. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu minh bạch thông tin từ cả hai phía: Nhà đầu tư và người dân, bao gồm cả các nhà khoa học, trước khi chính quyền có quyết định. Lâu nay, ở Việt Nam, ý kiến cộng đồng chưa được coi trọng, các nhà khoa học chưa có nhiều dịp góp ý và phản biện. Chính quyền thường chủ quan quyết định dựa vào cam kết miệng của nhà đầu tư và vài nhà khoa học ba phải.
Hoàn toàn có thể giữ nguyên hiện trạng của Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông”. Toàn bộ cao ốc và các công trình mới cần dời qua khu Sài Gòn mới (quận 2 và Thủ Thêm) như Paris và Thượng Hải đã làm. Chủ trương là dãn dân nhưng thực tế thì ngược lại. Cao ốc vẫn đua nhau mọc lên ở trung tâm. Quả là “một công đôi việc”: vừa xóa cái cũ, vừa kéo dân vào trung tâm. Ngay cả các sự kiện cũng thường diễn ra ở trung tâm, càng kẹt xe càng hoành tráng? Thời mở cửa, việc bảo tồn đang bị các giá trị thực dụng thô thiển của đồng tiền đe dọa trầm trọng.
Núp dưới chiêu bài trùng tu, hàng loạt công trình cổ được làm mới một cách dối trá, thậm chí phủ nhận lịch sử. Chùa Hương Tích (Hà Nội) được xây lại hoàn toàn, chẳng tìm đâu ra hồn xưa nét cũ. Chùa Bái Đính (Ninh Bình) xây mới nguy nga, đồ sộ hơn cả dinh thự vua chúa, chẳng mấy ai biết đến ngôi chùa cổ khiêm tốn, trang nghiêm cách đó không xa. Phản cảm nhất là đền Hùng. Các bậc thang cổ kính được làm mới toàn bộ. Cột đá Thề của An Dương Vương cổ mặc linh thiêng được thay thế bằng đá mã não của Tây nguyên, nhìn xa chẳng còn ai nhận ra cột đá thề thủa xưa, cứ tưởng là bộ linga - yoni lai tạp.
Không chỉ các giá trị nhân văn bị xâm hại và phá hủy mà cả giá trị của thiên nhiên cũng không được buông tha. Hàng loạt dự án đang xâm hại đến các vườn quốc gia như vườn Cát Tiên (Đồng Nai), Phan xi păng (Lào Cai); thậm chí cả di sản thiên nhiên thế giới như Sơn Đoòng (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh)… cũng không ngoại lệ. Bất chấp sự phản đối của dư luận, của các nhà khoa học, bất chấp những tác hại khôn lường của kiểu đầu tư thiếu bền vững, các dự án vẫn được triển khai. Dự án phức hợp cáp treo Phan xi păng sắp hoàn thành, hàng loạt công trình trong vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn đang được triển khai với kinh phí lên tới 8.000 tỉ đồng. Riêng dự án cáp treo Sơn Đoòng tốn khoảng 4.500 tỉ đồng (trong khi cáp treo nhiều lắm là 400 tỉ) đã bị Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch bác bỏ. Còn cáp treo Hạ Long dự kiến 6.000 tỉ đồng thì chưa biết ngã ngũ thế nào.
Các giá trị bảo tồn thiên nhiên và nhân văn đang đứng trước những thách thức nghiệt ngã, sống còn. Một vài doanh nhân bức xúc, kêu gọi hiệp hội ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp có tiếng nói chung trong việc bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng mặn mà.
Tôi nhớ lần đến đảo Jeju (Hàn Quốc), đảo đá đen núi lửa rất đẹp. Định lượm mấy cục đá về làm quà thì hướng dẫn viên ngăn lại, bởi đó là “Tài sản quốc gia. Chỉ có thể mua đá tại các cửa hàng đã chế tác”. Trong lần khác, trekking ở Ulu Temburong (Brunei), các nhân viên vườn quốc gia luôn đi phía sau những đoàn khách. Cứ tưởng họ đi để bảo vệ khách, ai dè là bảo vệ rừng. Khách nào xả rác, bẻ cây liền được nhắc nhở, phạt tiền hoặc trục xuất. Các quốc gia Trung Đông đã lọc nước biển thành nước ngọt và nỗ lực xanh hóa sa mạc. Còn chúng ta dường như đang làm ngược lại.
Bảo tồn và phát triển chỉ hài hòa khi mọi thông tin được minh bạch, các nhà khoa học cùng người dân được góp ý, hiến kế và các ý kiến này được chính quyền coi trọng và chắt lọc sử dụng. Nếu cứ chủ quan “cả vú lấp miệng em” hoặc núp dưới các chiêu bài trùng tu, các mỹ từ “phát triển kinh tế” bằng mọi giá như hiện nay thì hậu quả khôn lường, không thể nào khắc phục.
Nguyễn Văn Mỹ*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
>> Thách thức trong bảo tồn di sản
>> “Thực hành xấu” trong bảo tồn di sản
>> Chính phủ Ý giúp bảo tồn di sản văn hóa Mỹ Sơn
>> Đức giúp bảo tồn di sản Phong Nha - Kẻ Bàng
>> Cảnh báo xâm hại hang di sản ở Hạ Long
>> Đừng thô bạo với di sản
>> Đừng tận thu di sản
Bình luận (0)