Bảo vật quốc gia: Chiếc trống đồng được mua bảo hiểm 2 triệu USD

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/05/2024 07:29 GMT+7

Trống đồng Sao Vàng, một trong những bảo vật quốc gia, dù giá trị ban đầu là 100.000 USD, song đã được mua bảo hiểm lên tới 2 triệu USD vào năm 2007.

Cuộc đàm phán kéo dài

Năm 2006 với ông Nguyễn Ngọc Chất (Phó trưởng phòng Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia) là năm đánh dấu việc đàm phán mua thành công trống đồng Sao Vàng. Chiếc trống này được tìm thấy trong lòng đất khu vực sân bay Sao Vàng (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa), dưới độ sâu 1,3 - 1,5 m, trong lòng chứa đầy đất và rễ cây.

Bảo vật quốc gia: Chiếc trống đồng được mua bảo hiểm 2 triệu USD- Ảnh 1.

Trống đồng Sao Vàng

TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

"Chiếc trống này có tới 3 người cùng nắm quyền đàm phán mua, vì phải cả 3 người đồng ý nên cũng lâu hơn. Chúng tôi đã mất vài tháng trời đàm phán, thuyết phục, vận động cho tới khi mua được", ông Chất nói.

Trong thời gian đó, có nhiều nhà sưu tầm tư nhân cũng rất quan tâm đến chiếc trống Sao Vàng này. Thậm chí, có người nói giới cổ vật gần như "sôi lên". "Tôi biết có nhà sưu tầm sẵn sàng trả cao hơn nhà nước rất nhiều để mua trống. Trống Sao Vàng là chiếc trống gần như nguyên vẹn, nhiều nhà sưu tầm rất muốn sở hữu. Tuy nhiên, bảo tàng nhà nước cũng có ưu thế là được ưu tiên mua", ông Chất cho biết thêm. Cuộc đàm phán cũng rất cam go về giá, khi nhóm người dân muốn bán 2,5 tỉ đồng còn nhà nước không thể trả cao tới vậy. Sau cùng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mua được hiện vật với giá 1,8 tỉ đồng. Theo tỷ giá lúc đó tương đương 100.000 USD.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết trống đồng Sao Vàng là chiếc trống lớn nhất hiện biết trong số các trống Đông Sơn được phát hiện cho đến nay. Đường kính mặt trống 116 cm; đường kính tang trống 124 cm; đường kính chân 123 cm; chiều cao (cả cóc) 92 cm.

Bảo vật quốc gia: Chiếc trống đồng được mua bảo hiểm 2 triệu USD- Ảnh 2.

Hình động vật trên trống Sao Vàng

Hoa văn trang trí trên trống Sao Vàng cũng rất phong phú, có nhiều nét tương đồng với các trống Ngọc Lũ, Hữu Chung và Hy Cương hiện đang giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bên cạnh đó, trống còn có những họa tiết như băng hình người hóa trang lông chim, hình nhà sàn mái khum, vành chim mỏ ngắn ít hoặc chưa gặp trên những trống Đông Sơn ở VN nhưng thường gặp trên những trống khác trong khu vực Đông Nam Á. Đó là hoa văn hình người hóa trang lông chim giống trên trống Sangeang 1 tại Indonesia hay hình nhà cầu mùa trên trống Lào, hình chim mỏ ngắn đầu tròn từng xuất hiện trên một số trống Indonesia. Những hoa văn tương đồng này cho thấy có giao lưu văn hóa khá rộng giữa văn hóa Đông Sơn và các văn hóa cùng thời ở Đông Nam Á.

Bằng chứng di dân

Trống Sao Vàng được cho là đã hé lộ về đời sống kinh tế, xã hội thời Đông Sơn - một xã hội nông nghiệp làm lúa nước phát triển. Ở đó có bóng dáng của một số ngành thủ công nghiệp, dệt vải, làm mộc (dựng nhà, đóng thuyền), nghề đúc đồng phát triển với chiếc trống hoàn mỹ, tinh xảo.

Trống cũng cho thấy nghệ thuật tả thực với nhiều đề tài: muông thú, chim cá, đời sống của cư dân... Trong số này nổi bật nhất là những đề tài liên quan đến nông nghiệp, lễ hội đông đúc với những chiếc thuyền chở đầy người hóa trang... Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hình ảnh những ngôi nhà sàn mái cong, mái tròn với những người hóa trang nhảy múa, hành lễ, giã gạo... vẫn tồn tại trong nghi lễ thu hoạch mùa của một số đồng bào ít người vùng Tây Bắc VN.

Bảo vật quốc gia: Chiếc trống đồng được mua bảo hiểm 2 triệu USD- Ảnh 3.

Mặt trống Sao Vàng

Đặc biệt, qua những phát hiện trống đồng ở VN và Đông Nam Á, các nhà khoa học đã có bằng chứng về một dạng trống kích thước lớn có thể được đúc trong thời Đông Sơn muộn mà trống Sao Vàng là một trong những trống như vậy. Có thể đây là chứng cứ về sự di dân của cư dân Đông Sơn. Bằng chứng dân tộc học cũng cho thấy tại vùng quần đảo Indonesia hiện nay có 3 nhóm dân tộc ở 3 vùng đảo có dấu tích của cư dân Việt cổ. "Như vậy, những trống đồng có kích thước lớn như trống Sao Vàng là một tài liệu quý để dựng nên một bức tranh lịch sử thời cổ đại của Đông Nam Á với những mối giao lưu văn hóa, với những cuộc di dân…", hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết.

Chiếc trống đồng Sao Vàng này ngay từ trước khi được công nhận bảo vật quốc gia, cũng đã được đối xử như một bảo vật quốc gia. Ngay sau khi sưu tầm được, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, công bố về trống trên các ấn phẩm, trưng bày rộng rãi trong và ngoài nước. Năm 2007, trống Sao Vàng được "xuất ngoại" trong trưng bày "Buổi đầu của nền văn hóa cổ ở Việt Nam" tại Bảo tàng quốc gia Jeju Hàn Quốc. Năm 2013, trống lại có mặt trong trưng bày "Việt Nam câu chuyện vĩ đại" tại Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản. Năm 2014, trống xuất hiện tại trưng bày "Văn hóa Đông Sơn" ở Malaysia. Năm 2016 - 2018, trống được bày tại trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" tại một số bảo tàng Đức.

Quá trình đưa trống đi "ngoại giao văn hóa" cũng cho thấy giá trị vật chất của chiếc trống. Theo đó, để đưa được trống Sao Vàng về trưng bày tại Hàn Quốc, năm 2007 phía Hàn Quốc đã mua bảo hiểm và trống được định giá khi đó là 2 triệu USD. Tới năm 2013 - 2014 được đưa sang Đức, giá trị của trống được xác định khoảng 5 triệu USD. Tất nhiên, đây là những con số để mua bảo hiểm, còn thực sự thì chiếc trống này quý hiếm đến mức "có tiền cũng không thể mua được". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.