Bảo vật quốc gia: Lư hương gốm hoa lam đánh dấu thời kỳ xuất khẩu gốm sứ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/02/2023 00:23 GMT+7

Chiếc lư hương gốm hoa lam thời Lê sơ cho thấy thời kỳ xuất khẩu gốm sứ của nước ta ra nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Tây Á.

CHIẾC LƯ LỚN VÀ RỒNG "YÊN NGỰA"

Bảo vật quốc gia Lư hương gốm hoa lam còn có tên khác là Lư hương gốm men trắng vẽ lam thế kỷ 15. Hiện bảo vật thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trần Đình Thăng, TP.Hải Phòng. Chiếc lư hương cao 42,5 cm này bị vỡ miệng, đã được gắn lại. Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá đây là chiếc lư hương gốm hoa lam có kích thước lớn nhất, kiểu dáng và hoa văn trang trí đẹp hoàn hảo duy nhất hiện được biết đến ở nước ta.

Theo hồ sơ bảo vật, chiếc lư hương thuộc loại có kích thước lớn, trang trí kết hợp chạm đắp nổi và dùng bút lông vẽ men xanh cobalt chi tiết theo lối công bút rất tỉ mỉ. Trong quá trình tạo hình và vẽ trang trí, người thợ gốm phải chia lư làm 2 phần rời nhau. Sau khi nung xong phần trên và phần dưới mới lắp khớp lại.

Bảo vật quốc gia: Lư hương gốm hoa lam đánh dấu thời kỳ xuất khẩu gốm sứ - Ảnh 1.

Các mặt của lư hương gốm hoa lam thời Lê sơ

Phần trên của lư có miệng loe, cổ hình trụ, vai phình, thân hình tròn dẹt. Giữa băng cánh sen ở vai và hình rồng ở thân lư trang trí nổi 2 đầu sư tử ngậm vòng tròn đối xứng, xen giữa 2 đường gờ nổi. Trang trí vẽ men xanh cobalt gồm 4 băng hoa văn. Theo trình tự từ trên xuống có: các khóm hoa lan xung quanh cổ lư; băng cánh sen nhọn theo hiện thực, cánh to xen nhỏ trên vai lư; 2 hình rồng "yên ngựa", đầu ngẩng cao, chân có 4 móng, trong tư thế vờn đuổi nhau theo chiều kim đồng hồ, xung quanh vẽ các dải mây lửa và mây hình khánh; băng văn sóng nước diễn tả các lớp sóng bạc đầu dưới bụng lư.

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hai hình rồng "yên ngựa", chân có 4 móng xen giữa các dải mây lửa và mây hình khánh trên thân lư tương đồng hình rồng 5 móng vẽ trên loại bát, đĩa gốm hoa lam phát hiện trong Hoàng thành Thăng Long.

Phần dưới là đế lư hương hình con tiện, tạo hình như một chiếc ang ghép với một đế trụ tròn. Trang trí vẽ men xanh cobalt gồm 3 băng hoa văn xen giữa 2 đường gờ nổi tô men nâu. Thứ tự các băng hoa như sau: băng dây hoa lá cúc, bông hoa thể hiện theo chiều nhìn ngang với nhiều lớp cánh; băng cánh hoa đặc trưng, cách đều nhau; băng lá đề liên hoàn xen cài những hình búp hoa sen.

Chiếc lư này có nhiều nét tương đồng với các hiện vật gốm hoa lam có niên đại cùng thời đã được khai quật trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và những đồ gốm hoa lam phát hiện trong tàu cổ Cù Lao Chàm. Tại Hoàng thành năm 2002 - 2004 đã phát hiện nhiều đồ gốm phế thải như các loại đồ gốm sống men, các chồng bát, đĩa dính nhau do quá lửa và các dụng cụ để chế tác đồ gốm. PGS-TS Bùi Minh Trí, công tác tại Viện Khảo cổ lúc đó, cho rằng có sự tồn tại của các lò quan ở Thăng Long, nơi chế tác đồ gốm cho hoàng cung thời Lê sơ. Chiếc lư hương bảo vật này cũng chính là lư hương có kích thước lớn nhất so với các lư hương thời Lê sơ hiện biết.

THỜI KỲ GỐM XUẤT KHẨU

Theo hồ sơ, chiếc lư hương gốm hoa lam có trang trí hình rồng 4 móng, với kích thước lớn, kỹ thuật hoàn hảo. Đây là loại lư hương dùng để thực hiện các nghi thức, nghi lễ (cắm hương) trong không gian tâm linh tín ngưỡng của người Việt theo phong tục truyền thống thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần thánh, thờ Phật, thờ mẫu.

Theo hồ sơ bảo vật, dưới triều Lê sơ (1428 - 1527), nhiều dòng gốm ra đời và phát triển như gốm men trắng, gốm hoa lam, gốm men lam xám, gốm hoa lam kết hợp vẽ nhiều màu và vàng kim… Trình độ cao của nghệ nhân, quy mô sản xuất lớn cho phép đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Chiếc lư hương này vì thế giúp cho thấy thời kỳ xuất khẩu đồ gốm sứ của nước ta ra nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Tây Á.

Bảo vật quốc gia: Lư hương gốm hoa lam đánh dấu thời kỳ xuất khẩu gốm sứ - Ảnh 2.

Rồng “yên ngựa”

TL CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Về kỹ thuật, việc lắp khớp hai phần lư hương sau khi nung cho thấy kỹ thuật tinh xảo. Khi hai phần khớp lại, lư trở thành một thể khối bề thế, tôn nghiêm. Nghệ thuật trang trí vẽ men xanh cobalt bằng bút lông theo thể công bút chi tiết, tỉ mỉ thể hiện các đề tài: khóm hoa lan, băng cánh sen, rồng "yên ngựa", băng hoa cúc, lá đề hình khánh liên hoàn cùng hổ phù đắp nổi, phủ kín các tầng lư hương càng tôn thêm vẻ cao sang, quyền quý.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, so sánh với các loại hình đồ gốm có niên đại thế kỷ 15 được khai quật tại Khu di tích Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, có thể thấy lư hương này thuộc dòng gốm cao cấp. Điều đó thể hiện qua các khâu kỹ thuật, từ tạo hình, chạm đắp nổi, vẽ trang trí cho đến kỹ thuật nung đốt sản phẩm. Thêm vào đó, các băng hoa văn hình rồng kiểu "yên ngựa" chỉ phổ biến trên các loại hình như các loại bát, đĩa gốm men trắng mỏng in nổi rồng mây và bát, đĩa gốm hoa lam vẽ rồng "yên ngựa" 5 móng, 4 móng đã phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Hội đồng Di sản quốc gia cũng cho rằng chiếc lư hương này là sản phẩm gốm lò quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong các cung điện, thái miếu hay các di tích có sự bảo trợ của hoàng gia hoặc quan lại cao cấp trong triều đình phong kiến VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.