Bắt buộc sinh viên mặc đồng phục: Đi ngược sự đa dạng và sáng tạo trong giáo dục

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
03/12/2019 08:21 GMT+7

Việc một trường đại học tại TP.HCM đưa ra quy định bắt sinh viên mặc đồng phục suốt tuần, cấm cạo trọc đầu đang gây ra tranh luận mạnh mẽ vì lo ngại điều này là một trong những biểu hiện hạn chế sự phát triển đa dạng, sáng tạo của sinh viên.

 

Thương hiệu của trường không phải ở đồng phục

Ngày 21.11, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã ban hành nội quy học đường năm học 2019 - 2020 quy định sinh viên (SV) phải mặc đồng phục (áo đồng phục trường hoặc áo khoa) và đeo thẻ SV khi đến trường học tập hoặc liên hệ làm việc với các bộ phận chức năng trong trường. SV cũng cần có quần áo sạch sẽ, chỉnh tề, đầu tóc nam nữ phải gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Đặc biệt, SV không được cạo đầu trọc (trừ trường hợp đang điều trị bệnh hoặc nhà tu hành đang theo học, SV nam không để tóc dài...).

Cần tôn trọng SV. Họ là những người trưởng thành. Nhà trường chỉ nên là một môi trường mở, khuyến khích các giá trị cao đẹp (kỷ luật, tự do, sáng tạo, nhân văn) chứ không nên đóng vai trò bề trên áp đặt

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nhà sáng lập và điều hành Thinking School

Nội quy này dấy lên tranh luận trong những ngày vừa qua. Nhiều SV cho rằng môi trường ĐH là để các SV thể hiện được bản thân, cá tính, sở thích của mình giúp cho công việc sau này. Vì vậy, ăn mặc, ngoại hình cần phải tự do. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến tranh luận cho rằng trường là nơi học hành nghiêm túc và cũng cần phải có quy định mặc đồng phục.
Trả lời về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết từ lâu theo quan điểm chung của trường, cần mặc đồng phục để nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, quan trọng nhất là trường quy định điều này để không có khoảng cách giàu nghèo trong học sinh, SV. Điều kiện của SV không phải ai cũng giống nhau. Mặc đồng phục đến lớp thì ai cũng như ai. SV không phải ai cũng có nhận thức về ăn mặc nên mặc đồng phục là tốt nhất. Cũng theo ông Hoàn, trường cũng cấm cạo đầu trọc, nhuộm xanh đỏ, nam để tóc dài... vì ngoại hình như vậy có phần không phù hợp với một SV học trên giảng đường.
Trong khi đó, Ngọc Hiệp, hoa khôi du học sinh VN tại Nhật Bản, cho biết các trường ĐH ở Nhật không hề bắt SV mặc đồng phục nhưng SV vẫn ăn mặc không quá nổi bật, hay thể hiện khác người. “Khi vào ĐH thì cũng đã trưởng thành, chịu trách nhiệm với bản thân rồi nên việc chọn mặc trang phục như thế nào thì cũng nên do SV quyết định”, Ngọc Hiệp nhấn mạnh.

Trường đại học không phải là công xưởng

Theo anh Nguyễn Duy Sơ, từng là du học sinh Mỹ, hiện làm tại Q.1 (TP.HCM), môi trường ĐH rất cần sự đa dạng kể cả tự nhiên và xã hội. SV không nên bị gò ép về chuyện ăn mặc. Quy định đồng phục chỉ cần sử dụng một số ngày trong tuần. “Trường ĐH không phải là vùng chuyên canh tạo ra sản phẩm đồng nhất mà là nơi sáng tạo”, anh Duy Sơ nhấn mạnh.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nhà sáng lập và điều hành Thinking School, cho rằng lẽ ra trường nên hướng đến sự đa dạng chứ không phải hướng đến một màu đồng nhất. Nếu nói tránh sự phân biệt giàu nghèo thì cấm cả xe tay ga, điện thoại thông minh... Tất cả là vì trường không có triết lý giáo dục nên biến môi trường ĐH thành nơi rèn luyện kỷ luật.
“Cần tôn trọng SV. Họ là những người trưởng thành. Nhà trường chỉ nên là một môi trường mở, khuyến khích các giá trị cao đẹp (kỷ luật, tự do, sáng tạo, nhân văn) chứ không nên đóng vai trò bề trên áp đặt. Làm như thế sao SV trưởng thành được?”, tiến sĩ Dũng cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, người nghiên cứu nhiều về ĐH trên thế giới, cho biết chưa bao giờ nghe trường ĐH ở các nước bắt buộc SV phải mặc đồng phục. “Trường ĐH không phải là một công xưởng và SV không phải là những công nhân làm những công việc lặp lại như máy móc. Trường ĐH là nơi không gian của tự do và sáng tạo. Đưa SV vào một khuôn khổ như vậy là không đúng với tinh thần của một trường ĐH. SV là những người trưởng thành và có thể tự do chọn lựa điều phù hợp cho mình".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.