Bất cập vùng chăn nuôi tập trung

30/10/2012 14:32 GMT+7

Cách đây 4 năm, tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Nhưng đến nay chủ trương này vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn ban đầu. Nguyên nhân chính là hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ.

Thiếu hạ tầng

Ngoài việc dùng để canh tác nông nghiệp, chiếc máy cày của ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Lê Lợi 1, xã Quang Trung, H. Thống Nhất, Đồng Nai) 3 năm nay được sử dụng chạy phát điện, phục vụ cho việc chăn nuôi heo cho gia đình. Sau khi có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung (ở khu vực ấp Lê Lợi 1, xã Quang Trung) nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương này rất phấn khởi. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua ông Hùng cũng như nhiều hộ khác vẫn mỏi mòn chờ đợi hệ thống lưới điện để phục vụ chăn nuôi. “Nhà nước làm sao tạo điều kiện để có đường điện kéo vào, cho người chăn nuôi đỡ vất vả hơn”, ông Hùng đề nghị. Ông Bùi Văn Thiện- Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung (H. Thống Nhất) chia sẽ: “Hệ thống giao thông vào vùng chăn nuôi, xã đang xây dựng tuyến đường nhựa Lê Lợi đi Bàu Hàm. Riêng về hệ thống điện, thì nhà nước đang có hướng tập trung kéo về khu vực này tạo điều kiện cho bà con chăn nuôi”.

 Nhiều hộ chăn nuôi chưa muốn vào vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung
Nhiều hộ chăn nuôi chưa muốn vào vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung - Ảnh: Kim Cương

 

Đồng Nai hiện có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu con

Tương tự, trang trại quy mô lớn tại vùng chăn nuôi tập trung xã Gia Tân 2 (H. Thống Nhất) của ông Trần Văn Lượng, cần điện để tắm cũng như sưởi ấm cho đàn heo nái là rất lớn. Tuy nhiên 4 năm nay, từ khi khu vực này có quyết định quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, mọi chuyện vẫn chưa có gì chuyển biến về hạ tầng, nên hàng ngày ông phải chạy 2 chiếc máy nổ để phát điện phục vụ chăn nuôi. Ông Lượng cho biết: “Nếu có điện sẽ bớt chi phí trong chăn nuôi, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy điện đóm gì hết”.

Là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh, huyện Thống Nhất hiện có hơn 650 trang trại nằm trong và ngoài vùng được quy hoạch. Năm 2008 theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai, huyện có 20 vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên đến nay sau hơn 4 năm từ khi có quy hoạch, hệ thống hạ tầng giao thông và lưới điện vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Ông Bùi Đình Bưởi- Trưởng phòng Nông nghiệp H. Thống Nhất, cho rằng: “Hiện tại kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, đặc biệt là điện phục vụ chăn nuôi, sản xuất; nhiều khu vực chưa được đầu tư. Bên cạnh đó là nước, có những vùng đã được quy hoạch về mua khô nước rất khan hiếm, trong khi chăn nuôi thì lại rất cần nước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến người chăn nuôi ít vào các vùng chăn nuôi tập trung”.

Cần giải pháp tháo gỡ

Sau khi quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, giá đất ở các vùng này lại tăng lên khoảng 20 – 30% so với trước nên đã tạo thêm gánh nặng cho các hộ chăn nuôi khi đầu tư vào các vùng chăn nuôi tập trung. Đây là một thực trạng không riêng gì ở Thống Nhất mà còn diễn ra ở các huyện khác. Ông Huỳnh Thành Vinh- Phó chủ tịch UBND H. Thống Nhất cho biết: “Khi nhà nước đầu tư hệ thống điện và đường chắc chắn giá đất trong khu chăn nuôi tập trung sẽ tăng cao. Những hộ dân có nhu cầu chăn nuôi gặp giá đất tăng cao cũng là rào cản cho các nhà đầu tư”.

Theo quy hoạch được phê duyệt, trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai có 139 vùng chăn nuôi tập trung với diện tích gần 16.000 ha. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, các trang trại vào khu chăn nuôi tập trung là rất khiêm tốn, mới được 370 trang trại, trong đó chỉ có 41 trang trại đầu tư mới (số còn lại đã được xây dựng trước đó). Trong khi đó toàn tỉnh còn hơn 1.500 trang trại nằm ngoài vùng quy hoạch.

Ông Phan Minh Báu - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Nguyên nhân khiến chậm triển khai các vùng quy hoạch tập trung chăn nuôi là do các huyện không có định hướng, vùng nào ưu tiên thực hiện trước, vùng nào làm sau, vùng nào thuận lợi, vùng nào khó khăn.... Mà phải lựa chọn vùng nào ưu tiên thì cần tập trung giải quyết hạ tầng điện đường, cấp nước …”

Điều mà người chăn nuôi mong muốn nhất là hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cũng như chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây cũng là vai trò quyết định để thu hút người chăn nuôi vào các vùng quy hoạch.

Kim Cương

>> Phòng chống dịch trong chăn nuôi
>> Người chăn nuôi lỗ, bán thức ăn lời
>> Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung
>> Vợ cán bộ thú y bán thức ăn chăn nuôi có chất cấm
>> DN thức ăn chăn nuôi “nghẹt thở” vì phí
>> Gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc đe dọa ngành chăn nuôi
>> 70% chất cấm trong chăn nuôi nhập lậu qua địa bàn Lạng Sơn
>> Nhanh chóng giải cứu cho người chăn nuôi
>> Người chăn nuôi “hấp hối”
>> Thu giữ chất cấm trong chăn nuôi
>> Phạt 3 hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm
>> Thu giữ một lượng lớn chất cấm trong chăn nuôi
>> Thu giữ lượng lớn chất cấm trong chăn nuôi
>> Lại phát hiện thức ăn chăn nuôi có chất cấm
>> Điều tra nguồn gốc chất cấm của 11 hộ chăn nuôi
>> Chất cấm tạo nạc có thể "giết chết" ngành chăn nuôi heo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.