Bất chấp cam kết khí hậu, nạn phá rừng tại Amazon vẫn tăng hơn 20%
Báo cáo thường niên của chính phủ Brazil cho thấy nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon đã tăng 22% trong một năm, lên mức cao nhất kể từ năm 2006, thể hiện rằng chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro chưa thể kiềm chế nạn khai thác gỗ bất hợp pháp .
Tự động phát
Nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon (Brazil) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2006, theo một báo cáo hàng năm của chính phủ nước này - trong đó bao gồm khẳng định của Tổng thống Jair Bolsonaro rằng Brazil đang hạn chế khai thác gỗ bất hợp pháp. Dữ liệu cho thấy nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đã tăng 22% từ tháng 8.2020 đến tháng 7.2021.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc ở Glasgow (Scotland) hồi đầu tháng 11, chính phủ Brazil đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp từ nay đến năm 2028, một mục tiêu đòi hỏi phải giảm mạnh việc phá rừng hàng năm.
Ảnh chụp từ trên không cho thấy một khoảnh rừng bị chặt phá tại rừng Amazon ở Bang Rondonia (Brazil), ngày 28.9 |
reuters |
Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan nghiên cứu Brazil INPE lại cho thấy điều ngược lại: nạn phá rừng gia tăng trong 4 chu kỳ gần nhất - lần đầu tiên kể từ năm 2000.
Một nguồn tin xác nhận rằng chính phủ đã nắm được dữ liệu liên quan trước khi tham gia hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc. Dữ liệu cũng làm dấy lên nghi ngờ về việc Brazil ký cam kết toàn cầu với hơn 100 quốc gia khác để xóa bỏ nạn phá rừng trên toàn thế giới vào năm 2030.
Nếu rừng Amazon bị phá hủy, nhiều nhà khoa học cảnh báo một lượng lớn carbon sẽ được giải phóng, và gần như chắc chắn rằng thế giới không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)