Bất động sản thu tăng nhưng nợ cũng tăng

10/01/2023 06:38 GMT+7

Mặc dù số thu của ngành thuế năm 2022 vẫn tăng cao, nhưng kéo theo đó là số nợ thuế cũng đi lên.

Giao dịch giảm, nợ tăng

Hôm qua (9.1), Cục Thuế TP.HCM công bố danh sách hàng loạt doanh nghiệp (DN) nợ thuế. Tính đến hết tháng 11.2022, tổng số nợ thuế trên địa bàn là 43.918 tỉ đồng, tăng 4.622 tỉ đồng, tương ứng tăng 11,76% so với cuối năm 2021.

Nguyên nhân gây ra việc tăng nợ thuế liên quan đến tiền nợ thuế của 2 DN đang khiếu nại tiền thuê đất, tiền sử dụng đất khu đất Thủ Thiêm 8.774 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Thế kỷ 21 nợ 6.098 tỉ đồng, Công ty Thuận Việt nợ 2.676 tỉ đồng. Đồng thời, một số công ty bất động sản (BĐS) đang nợ thuế lớn cũng được điểm danh như khách sạn Tân Hoàng Minh (Q.1) nợ 160 tỉ đồng, Tập đoàn Đất Xanh (Bình Thạnh) nợ 185 tỉ đồng, Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà (TP.Thủ Đức) nợ 442 tỉ đồng, Công ty Quốc Lộc Phát (TP.Thủ Đức) nợ 147 tỉ đồng, Tổng công ty đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (TP.Thủ Đức) nợ 106 tỉ đồng... Số nợ thuế tại TP.HCM vẫn tăng cao bất chấp trong năm qua ngành thuế đã tăng cường cưỡng chế, thu hồi nợ tăng 30% so với 2021, đạt 26.075 tỉ đồng.

Thu thuế từ bất động sản năm 2022 tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đang nợ thuế lớn

Đình Sơn

Không chỉ tại TP.HCM, báo cáo chung trên cả nước tính đến hết tháng 11.2022, tổng số tiền nợ ngành thuế quản lý tăng mạnh trên 10% so với cuối năm 2021, tương ứng 126.642 tỉ đồng. Có thể kể đến như Cục Thuế TP.Hà Nội trong kỳ đăng công khai tháng 11.2022 cũng nêu tên các DN nợ thuế lớn là các “ông lớn” BĐS như Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới nợ hơn 28 tỉ đồng; Công ty CP kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội (HANHUD) nợ khoảng 16 tỉ đồng…

Để đôn đốc các khoản nợ thuế, Cục Thuế TP.Hà Nội cho biết sẽ đẩy mạnh các biện pháp công khai thông tin người nợ thuế, cưỡng chế thuế đúng thời hạn; đồng thời thực hiện các biện pháp được pháp luật cho phép để xử lý nợ thuế, trong đó có kiến nghị các cơ quan liên quan tạm hoãn xuất cảnh.

Thực tế, số thu thuế, phí từ BĐS đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm qua các tháng cuối năm vừa qua. Không chỉ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS giảm tốc, mà thu lệ phí trước bạ từ nhà đất cũng đang sụt giảm mạnh.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy nếu như trong tháng 6.2022 thu lệ phí trước bạ tăng 78,4%, thì bước sang tháng 7.2022, số thu chỉ bằng 76,8% so với tháng 6; tháng 8.2022 thu bằng 72% tháng 7.2022 và tháng 11.2022 ước chỉ bằng 44,9% của tháng liền kề trước đó… Điều này đã phản ánh đúng thực tế là giao dịch trên thị trường BĐS đã giảm mạnh trong 2 quý cuối năm 2022. Đồng thời, các DN ngành BĐS hầu như cũng không có các dự án mới bàn giao, nhiều dự án thực hiện dở dang khi nguồn vốn từ ngân hàng, từ thị trường cổ phiếu hay trái phiếu đều gặp khó.

Thu từ chuyển nhượng BĐS cao gấp đôi

Trong khi các công ty BĐS nợ thuế đầm đìa, thì số thuế trong chuyển nhượng nhà đất của cá nhân lại gia tăng. Số liệu công bố từ Bộ Tài chính cho thấy trong năm vừa qua, khoản thu từ nhà, đất đạt 154,5%. Đặc biệt, ước thu từ hoạt động chuyển nhượng BĐS trong năm qua đạt trên 41.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với số thu của cả năm 2021.

Bộ Tài chính lý giải thuế thu nhập cá nhân vượt 38,5% hay các khoản thu về nhà đất vượt 54,5% do thị trường chứng khoán, BĐS duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, nhưng việc quyết toán thuế từ các hoạt động này được thực hiện trong quý 1/2022. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác triển khai giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so với dự toán.

Ngoài ra, cơ quan thuế, hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động chuyển nhượng BĐS.

Còn theo báo cáo từ Tổng cục Thuế, ngoài yếu tố thị trường giao dịch sôi động trong những tháng đầu năm, ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng đã được nâng cao. Tính đến tháng 9.2022, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá UBND tỉnh, TP ban hành chiếm 72%; trung bình một bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND tỉnh, TP ban hành. Nhiều trường hợp hồ sơ có giá trị chuyển nhượng kê khai cao gấp nhiều lần so với giá tại bảng giá của UBND tỉnh, TP ban hành.

Nổi bật có hồ sơ kê khai cao hơn khung giá UBND ban hành 77 lần như tại Bà Rịa-Vũng Tàu khung giá UBND quy định là hơn 1 tỉ đồng, giá thực tế chuyển nhượng là hơn 81 tỉ đồng; tại Long An, khung giá UBND tỉnh quy định là gần 400 triệu đồng, giá chuyển nhượng thực tế là hơn 11 tỉ đồng, cao hơn 28 lần; hay tại TP.HCM khung giá UBND TP quy định là hơn 84 triệu đồng, trong khi giá chuyển nhượng hơn 2,3 tỉ đồng, cao hơn 27 lần…

Khi kinh doanh không có DN nào muốn để nợ thuế quá hạn đến mức bị bêu tên, cưỡng chế về tài khoản, hóa đơn… vì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của công ty lẫn ban lãnh đạo. Từ đó cũng khiến công ty khó chồng thêm khó khi khách hàng, đối tác cũng e ngại khi hợp tác hoặc kể cả trong việc vay vốn ngân hàng, huy động vốn qua cổ phiếu hay trái phiếu. Chính vì vậy khi hàng loạt doanh nghiệp BĐS nợ thuế lớn là chứng tỏ tình trạng đã khá xấu. Lĩnh vực BĐS gặp khó thì kéo theo hàng loạt ngành nghề khác từ trực tiếp đến gián tiếp cũng bị ảnh hưởng dây chuyền nên có thể số thu của ngân sách nhà nước trong năm mới cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Luật sư Trần Xoa

Nhìn lại năm 2022 ngành thuế đã siết chặt việc thu thuế từ các hoạt động chuyển nhượng BĐS thông qua việc kiểm soát giá kê khai. Nhiều hồ sơ BĐS đã bị trả để kê khai lại nhiều lần. Theo Cục thuế TP.HCM, cá biệt có hồ sơ kê khai giá chuyển nhượng đất ban đầu từ 500 triệu đồng lên đến 10 tỉ đồng sau đó. Điều này đã khiến số thu từ lĩnh vực BĐS tăng cao, kể cả nguồn từ cá nhân lẫn các tổ chức.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, cho rằng thông thường các DN ngành BĐS có thể bán sản phẩm trước từ khi vẫn còn thực hiện dự án nhưng đến khi bàn giao nhà cho khách hàng mới ghi nhận doanh thu. Ví dụ, có thể dự án triển khai 3 - 4 năm trước và cũng đã bán hết nhưng trong năm 2021 mới bàn giao thì khi đó sẽ ghi nhận doanh thu và bắt đầu tính thuế và sẽ nộp trong đầu năm 2022. Đây có thể là nguyên nhân khiến số thuế thu từ BĐS năm 2022 lại tăng cao, trong khi nhìn chung thị trường giao dịch khá trầm lắng hoặc thực tế cũng có ít dự án hoàn thành và bàn giao cho khách hàng. Thực tế từ 2 quý cuối năm 2022 đến nay thị trường BĐS rất khó khăn, nhiều dự án dang dở nên có thể trong năm 2023, dự án hoàn thành cũng sẽ ít nên từ đó nguồn thu về BĐS sẽ sụt giảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.