Bật khóc ngày làm thẻ căn cước: ‘Mừng hết lớn luôn'

Bật khóc ngày làm thẻ căn cước: ‘Mừng hết lớn luôn'

05/08/2024 13:43 GMT+7

Sau khi được lực lượng công an thu thập thông tin và các dấu hiệu sinh trắc học để cấp thẻ căn cước, nhiều nhân khẩu đặc biệt tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM) bật khóc nức nở vì hạnh phúc.

Hơn 200 người, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng những năm qua, họ đã cùng gắn bó dưới mái ấm mang tên Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (tại phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM).

Những nhân khẩu đặc biệt đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh đa phần đã ngoài 50 tuổi. Trong suốt ngần ấy năm, giấy tờ tùy thân duy nhất mà họ có là tờ giấy khai sinh do cơ sở phối hợp cùng với Công an phường Hiệp Bình Chánh và bộ phận tư pháp UBND phường Hiệp Bình Chánh cấp.

Bật khóc ngày làm thẻ căn cước: ‘Mừng hết lớn luôn'

Ngày 4.8.2024, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (tức PC06, Công an TP.HCM) phối hợp cùng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (tức C06, Bộ Công an) và Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tổ chức làm căn cước cho 117 nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (tại phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức). Đây là 117 nhân khẩu đặc biệt đã được cấp giấy khai sinh và mã số định danh cá nhân, đủ điều kiện thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Ông Huỳnh Công Viễn (52 tuổi) là một trong những nhân khẩu đặc biệt tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh. Không may mắn như những người khác, ông Viễn sinh ra với một cơ thể khiếm khuyết, bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ.

Bật khóc ngày làm thẻ căn cước: ‘Mừng hết lớn luôn'- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Công Viễn nghẹn ngào khi chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân

Thảo Nhân

Với hoàn cảnh như vậy, ông Viễn không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Mãi đến năm 2009, khi quyết định xin nương nhờ ở Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh, ông Viễn mới được các cán bộ hỗ trợ làm giấy khai sinh, được Công an phường Hiệp Bình Chánh cấp mã số định danh để thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Các nhân khẩu đặc biệt tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh đa phần là những người mồ côi, khuyết tật. Với họ, Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh đã trở thành mái nhà thứ hai, là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, bù đắp cho những thiếu thốn về vật chất và tinh thần của họ.

Gắn bó với Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh 11 năm nay, bà Trần Thị Điệp (69 tuổi) bật khóc khi kể về hoàn cảnh của bản thân.

Bà Điệp sinh ra trong một gia đình nghèo tại Bến Tre. Cha mẹ mất sớm, đến tuổi thiếu niên, bà theo chân những người hàng xóm lên TP.HCM với hy vọng thoát nghèo. Nhưng số phận trêu ngươi, cái nghèo vẫn đeo bám lấy bà Điệp.

Đến năm 2013, do tuổi cao, sức yếu, bản thân lại bị bệnh tiểu đường nặng, bà Điệp xin nương nhờ phận già vào Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh.

Khi nghe tin các cán bộ công an sẽ xuống tận cơ sở để thu thập hồ sơ làm thẻ căn cước, bà Điệp đã rất mong chờ. Dù phải xếp hàng chờ đợi, ưu tiên cho nhiều trường hợp yếu thế khác, nhưng bà Điệp cho biết không thấy mệt mỏi hay phiền lòng.

Bật khóc ngày làm thẻ căn cước: ‘Mừng hết lớn luôn'- Ảnh 2.
Bật khóc ngày làm thẻ căn cước: ‘Mừng hết lớn luôn'- Ảnh 3.
Bật khóc ngày làm thẻ căn cước: ‘Mừng hết lớn luôn'- Ảnh 4.

Làm thẻ căn cước cho những nhân khẩu đặc biệt

THẢO NHÂN

Theo trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM), thời gian qua, PC06 cũng đã tích cực phối hợp cùng với các trung tâm bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để cấp căn cước cho những người yếu thế.

Việc cấp thẻ căn cước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những nhân khẩu đặc biệt, giúp họ tự tin trở thành một người công dân thực thụ.

Trung tá Hồng Châu chia sẻ, với tinh thần “vì dân phục vụ", quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau", lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM quyết tâm vượt khó, luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để đưa Đề án 06 của Chính phủ đến gần hơn với người dân, đặc biệt là những người yếu thế.

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu cho hay, sau 1 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP.HCM cấp gần 2.000 căn cước công dân và thẻ căn cước cho những người yếu thế trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian tới, Công an TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện luật Căn cước, cấp thẻ căn cước cho các nhân khẩu đặc biệt đang cư trú tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ trên địa bàn thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.