Bất ngờ lãi suất, chứng khoán

26/10/2022 06:45 GMT+7

Trái với các dự báo thị trường tài chính tiền tệ sẽ có nhiều xáo trộn sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1% vào tối 24.10, hôm qua thị trường tài chính VN nói chung khá bình ổn. Thậm chí, chứng khoán còn xanh trở lại.

Lãi suất tiết kiệm đi ngang

Hôm qua 25.10, quyết định tăng lãi suất (LS) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực với mức tăng 1%. Cụ thể, LS tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; LS tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; LS tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm và LS tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do NH tự công bố...

Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành đêm 24.10, lãi suất huy động của các ngân hàng ngày 25.10 vẫn giữ nguyên

Nhật Thịnh

Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng trở lại đây, NHNN tăng LS điều hành, tổng cộng mức tăng lên tới 2%. Theo lý giải từ NHNN, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng LS mục tiêu lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng LS và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Quyết định điều chỉnh các mức LS là để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống NH.

Thực ra khi NHNN công bố tăng LS điều hành đêm 24.10 đã có nhiều dự báo LS tiền gửi tiết kiệm từ các nhà băng sẽ có biến động mạnh. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Trong hôm qua, nhiều NH thương mại không thay đổi biểu LS huy động tiết kiệm dù LS giao dịch trên thị trường liên NH bật tăng nhanh trở lại từ 0,2 - 1,6%/năm ở các kỳ hạn. Chẳng hạn LS kỳ hạn qua đêm tăng thêm 1,64%, lên 7,07%/năm; 1 tuần tăng lên 7,45%; 2 tuần tăng lên 7,61%; 1 tháng tăng lên 7,77%/năm; 3 tháng lên 8,09%/năm; 12 tháng lên 8,2%/năm… Còn một vài nhà băng nâng LS kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên kịch trần cho phép là 6%/năm như Bac A Bank, NCB nhưng kỳ hạn dài trên 6 tháng vẫn giữ nguyên.

Nhìn chung, LS tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện vẫn ở mức 9%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng và áp dụng cho khách hàng gửi số tiền lớn như giữa tháng 10. Tương tự, tỷ giá USD/VND tại các NH thương mại hôm qua tiếp tục giao dịch ở mức kịch trần được phép khi bán ra 24.885 đồng/USD...

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, có khả năng việc tăng LS của các nhà băng sẽ chậm lại trong vài ngày tới. Việc NHNN tăng LS thêm 1% là khá mạnh tay mà theo ông là nhằm mục tiêu ổn định tỷ giá hối đoái. Bởi trên thị trường liên tục những ngày qua, sau khi NHNN nâng trần biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND và các NH thương mại tăng giá giao dịch lên kịch trần thì tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do vẫn tăng cao. Nếu không ổn định tỷ giá thì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ có khả năng không rót vào VN mà thậm chí bị rút ra. Ngay cả dòng vốn trong nước cũng sẽ có khả năng chảy sang trú ẩn vào ngoại tệ nếu LS tiền gửi không tăng.

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm nay

ngọc thắng

Chứng khoán hồi phục đi lên

Thị trường chứng khoán (TTCK) hôm qua diễn biến đầy bất ngờ và trái ngược mọi dự đoán cho rằng LS tăng sẽ “đè” cổ phiếu (CP). Đầu phiên, thị trường mở cửa trong sắc đỏ nhưng đà sụt giảm không quá mạnh. Trong phiên sáng, có lúc VN-Index giảm gần 24 điểm nhưng ngay sau đó, hàng loạt CP blue chip đảo chiều thành công. Thị trường hồi phục giúp VN-Index tăng trở lại gần 12 điểm vào cuối phiên sáng. Các mã tài chính như NH, chứng khoán và phân bón, thép... tăng trở lại, thậm chí nhiều mã tăng kịch trần.

Đà tăng được duy trì và chốt phiên, VN-Index cộng thêm 11,55 điểm, tương ứng tăng 1,17% lên 997,7 điểm. Tuy nhiên, nhóm CP ngành bất động sản vẫn bị bán mạnh và nhiều mã rơi hết biên độ về giá sàn như DIG, DXG, HDC, ITC, KBC, LGL, VPH… Riêng trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index vẫn chốt phiên trong sắc đỏ khi giảm nhẹ 1,48 điểm còn 208,02 điểm. Thanh khoản trên thị trường tăng nhẹ so với phiên trước đó khi giá trị giao dịch đạt gần 14.000 tỉ đồng.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, TTCK đã rớt mạnh liên tục trong những phiên vừa qua khiến nhiều CP giảm hơn 20% nên đà rơi chững lại và có phiên hồi phục khi lượng cầu bắt đáy gia tăng. Trong phiên đầu tuần đã có nhiều thông tin tiêu cực, kể cả tin đồn khiến nhiều người lo lắng và bán tháo. Thế nhưng sau đó tin đồn đã được cải chính nên ngay cả việc NHNN tăng LS cũng không còn tác động nhiều đến thị trường.

Việc tăng LS hiện nay được xem là một điều tất yếu trong bối cảnh chung với kinh tế thế giới. Dù vậy, việc LS điều hành gia tăng đồng nghĩa việc các NH thương mại sẽ tiếp tục tăng LS tiền gửi tiết kiệm và sau đó là tăng LS cho vay. Đây sẽ là khó khăn thách thức lớn nhất cho nhóm doanh nghiệp (DN) bất động sản vì theo ước tính, đây là những đơn vị luôn có hoạt động vay lớn nên chắc chắn khi LS tăng sẽ càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể quy định mới về phát hành trái phiếu DN và các thông tin liên quan về lĩnh vực này khiến nhà đầu tư không yên tâm, nên sẽ khó để nhiều công ty tiếp tục huy động vốn thành công.

Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng đang ở giai đoạn thanh khoản thấp nên nhiều người tin rằng các công ty bất động sản sẽ phải có động thái giảm giá bán, thanh lý tài sản để gom tiền đáo hạn lượng trái phiếu đã phát hành... Chính vì vậy, nhóm CP bất động sản bị tác động mạnh nhất với thông tin tăng LS.

“Các DN khác cũng sẽ bị ảnh hưởng khi LS tăng khiến hoạt động khó khăn, lợi nhuận sẽ giảm hơn. Song song đó, TTCK luôn song hành với dòng tiền. Khi dòng tiền không còn dồi dào thì thị trường từ nay đến cuối năm sẽ chưa có khả năng hồi phục mạnh dù ai cũng biết rằng nhiều CP đã giảm quá sâu, thấp hơn nhiều so với giá trị thật của DN”, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Thận trọng hơn trong chính sách tài chính tiền tệ

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định: Việc tăng LS điều hành của NHNN là điều sớm hay muộn phải làm. Trong thời gian qua, NH trung ương các nước liên tục tăng LS cùng với điều chỉnh tỷ giá nhưng VN vẫn cố gắng giữ tỷ giá ổn định. Gần đây NHNN có điều chỉnh biên độ tỷ giá, tăng LS tiền đồng nhưng cũng chưa thể giải quyết được câu chuyện tỷ giá tăng kịch trần thời gian qua. Vấn đề ở đây là cần xem xét lại một số điểm. Tỷ giá là dòng tiền ngắn hạn đầu cơ, khi LS kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng được tăng từ 4%/năm lên 5%/năm nhưng vẫn không thể hút được tiền. Giữa tỷ giá và LS, VN chọn giữ tỷ giá nhưng lại cố định LS ngắn hạn ở mức thấp trong thời gian dài. Đáng lý ra LS ngắn hạn phải được tăng lên sớm hơn để kiểm soát tỷ giá và không làm hao mòn dự trữ ngoại hối tích lũy được.

Việc tăng LS huy động kỳ hạn ngắn lần này hy vọng sẽ kiểm soát được dòng tiền đầu cơ. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý trên thị trường hiện nay là các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ tránh rơi vào cùng một thời điểm sẽ gây nên áp lực cầu ngoại tệ tăng lên. Ông Lê Đạt Chí cũng cho rằng áp lực tăng LS của VN vẫn còn khi Fed tiếp tục có những đợt tăng LS trong thời gian tới. Việc Fed tăng LS sẽ gây áp lực cho những nền kinh tế mới nổi về vấn đề tỷ giá lẫn LS.

Phải cân nhắc, thận trọng hơn trong thời gian tới

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Việc tăng LS lúc này có mục đích cân bằng tỷ giá hối đoái là bắt buộc. Nhưng chính sách tài chính tiền tệ thường có độ trễ từ 3 - 6 tháng nên NHNN phải cân nhắc, thận trọng hơn trong thời gian tới về tần suất tăng, mức độ tăng LS như thế nào để giảm tác động đến DN và nền kinh tế nói chung. Bởi việc tăng LS quá cao sẽ có hệ quả là kinh tế suy giảm, đình trệ.

Còn ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng LS thời gian qua chưa phản ánh đúng thị trường. NHNN điều tiết thanh khoản trên thị trường với LS tái cấp vốn 6%/năm, bù trừ liên NH 7% là không lớn nhưng LS liên NH vượt qua mức này là không ổn. LS trên thị trường liên NH lên đến 9 - 10%/năm ở một số kỳ hạn nhưng thanh khoản xem ra vẫn không thể cải thiện. Đó là nguyên nhân khiến LS đi lên.

Việc tăng LS lên cao, theo ông Phạm Thế Anh, sẽ khiến các DN khó khăn hơn. Nhưng khó không hẳn nằm ở LS mà là vấn đề thanh khoản dòng tiền. LS tăng cao, thị trường trái phiếu đã gặp khó khăn nay càng thêm khó. Quan trọng hơn là nhà đầu tư không dám bỏ tiền ra mua, bất chấp trái phiếu của DN tốt hay xấu. Điều này sẽ gây sức ép lên thanh khoản của thị trường CP. Trước những lo ngại đó thì bản thân các DN đang vay nợ chỉ muốn nhanh chóng thu xếp vốn trả nợ NH cũng như lượng trái phiếu đã phát hành thay vì sản xuất kinh doanh. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm 2023.

“Việc xử lý chính sách tiền tệ, trái phiếu hiện nay phải thật sự khéo léo, không gây những bất ngờ làm cho thị trường chao đảo”, ông Phạm Thế Anh khuyến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.