Bắt 'nhà tâm linh' lừa đảo, làm giả mộ liệt sĩ

29/10/2013 03:00 GMT+7

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Trị cho biết sáng 28.10 đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Thanh Thúy (tức "cậu Thủy", 54 tuổi, ngụ thị trấn Chờ, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và vợ là Mẫn Thị Duyên (51 tuổi) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản .

 
Nguyễn Thanh Thúy (thứ 2 từ phải sang) nghe lệnh bắt - Ảnh: Bình Phan

>> Bắt 'nhà tâm linh' Nguyễn Thanh Thúy
>> Bắt “cậu Thủy” để mở rộng điều tra 

Cùng ngày, Cơ quan ANĐT cũng thực hiện lệnh khám xét nơi ở của 2 bị can, thu giữ một còng số 8, một dùi cui điện, một dao dài 58 cm (cả cán), một dao bấm và một dao nhọn trên xe ô tô để trong nhà... Việc bắt và khám xét có sự chứng kiến của Bộ Công an và Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Ninh.

 

Thủ tướng yêu cầu làm rõ

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương làm rõ thông tin báo chí nêu về hành vi lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để trục lợi; yêu cầu phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có).

Trước đó, trong các ngày từ 24 đến 25.10.2013, Thanh Niên, Đài truyền hình Việt Nam và một số báo đưa tin về hành vi lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để trục lợi.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Liên quan đến vụ việc này, từ 24 - 26.10, Thanh Niên Online đã đăng loạt bài 3 kỳ Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để thu tiền tỉ, trong đó chỉ ra nhiều dấu hiệu phạm tội của “cậu Thủy” và đồng phạm. Riêng tại Quảng Trị, vào ngày 25.7, với sự giúp sức của một số người ở Ngân hàng Chính sách xã hội, “cậu Thủy” đã bày ra hiện trường giả rồi “cất bốc” 9 hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, H.Gio Linh). Dù bị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, Ban Chỉ huy quân sự H.Gio Linh phản ứng dữ dội và đưa ra nhận định: “Tất cả các mẫu vật ở hố đào là do làm giả, không phải hài cốt liệt sĩ”, nhưng bằng nhiều cách số “hài cốt” này vẫn được chôn tạm trong Nghĩa trang Quốc gia Đường 9. Sau đó, Viện Pháp y quân đội cũng đã xét nghiệm mẫu tại 9 tiểu sành và kết luận đây là xương động vật.

Cũng bằng thủ đoạn này, “cậu Thủy” và đồng phạm đã thực hiện việc cất bốc hàng trăm “mộ liệt sĩ” tại tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước, gây phẫn nộ trong chính quyền và người dân địa phương. Nhưng điều mà dư luận nghi ngại nhất chính là việc Ngân hàng Chính sách xã hội liên quan trực tiếp đến những “phi vụ” của “cậu Thủy”. Nhiều nghi vấn cũng đặt ra rằng "cậu Thủy" đã thu lợi hàng tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua những "phi vụ" tương tự.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 28.10, đại tá Nguyễn Văn Kỷ, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, cho hay ngay từ khi vụ “cất bốc” mộ ồn ào xảy ra ở thôn Lâm Xuân, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã xác lập chuyên án để điều tra. “Hiện nay, chúng tôi chỉ mới căn cứ vào vụ việc xảy ra ở địa phương để điều tra và bắt giữ 2 bị can chứ chưa xem xét đến những việc có liên quan đến Thúy và đồng phạm tại các địa phương khác”, đại tá Kỷ nói.

Trước câu hỏi của PV về việc “vụ án có khả năng được mở rộng điều tra không khi nó liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội?”, đại tá Kỷ nói: “Cái đó còn tùy vào chứng cứ thu thập từ bị can nữa. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ vụ án với thái độ nghiêm túc, hết sức mình”.

Sau khi bắt và khám xét nơi ở, “cậu Thủy” và vợ đã được di lý từ Bắc Ninh về Quảng Trị để phục vụ công tác điều tra.

“Cậu Thủy” từng đi tù vì lừa đảo

Theo hồ sơ PV Thanh Niên có được, Nguyễn Thanh Thúy không cho người khác gọi mình là nhà ngoại cảm mà tự xưng là “nhà tâm linh”. Thúy quê gốc ở thôn Ân Phú (xã Phú Lâm, H.Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), từng là công an nhưng bị loại ra khỏi ngành vì lạm dụng chức vụ quyền hạn và lừa đảo. Sau khi ly dị vợ đầu, năm 1995, Thúy chung sống với bà Mẫn Thị Duyên, cùng hành nghề cúng bái và tìm mồ mả thất lạc cho người dân địa phương và mấy tỉnh lân cận. Năm 1996, Thúy và Duyên bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng vũ khí quân dụng. Sau đó, Thúy bị kết án 10 năm tù, Duyên 12 năm tù. Năm 2005, sau khi ra tù, Thúy tiếp tục hành nghề tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sĩ với biệt danh tự xưng là “cậu Thủy”.

Quy trình tìm kiếm của “cậu Thủy” được hình dung như sau: thân nhân người đã khuất đến tìm “cậu” và đặt cọc số tiền 15 - 20 triệu đồng. Sau vài tháng, “cậu” gọi đi đến một nơi hoang vắng, sau đó bảo nhập vong. Vong sẽ đưa đến nơi, đào khoảng 0,5 đến 1 m là thấy xương vụn kèm "di vật" có khắc tên. Sau đó, gia đình của liệt sĩ sẽ trả thêm "cậu" khoảng 100 triệu đồng.

Nguyễn Phúc

>> Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để thu tiền tỉ - Bài 1: Những cuộc quy tập bất thường
>> Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để thu tiền tỉ - Bài 2: 'Nhà tâm linh' Nguyễn Thanh Thúy là ai?
>> Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ thu tiền tỉ - Kỳ 3: Vì sao Ngân hàng CSXH dễ dãi trả hàng tỉ đồng cho ‘cậu Thủy’?
>> Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để thu tiền tỉ: Bộ Công an vào cuộc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.