Bắt tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Sai phạm nối tiếp sai phạm

30/03/2022 06:35 GMT+7

Trong quá khứ, ông Trịnh Văn Quyết và FLC cũng như các công ty thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này liên tiếp bị xử phạt khi bán cổ phiếu doanh nghiệp mà không minh bạch thông tin và vi phạm công bố thông tin tới các nhà đầu tư.

2 lần bán cổ phiếu không công bố

Hồi tháng 11.2017, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan các giao dịch cổ phiếu (CP) đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu CP FLC trong khoảng thời gian 20 - 24.10.2017. Theo thống kê giao dịch, thời điểm ông chủ tập đoàn này bán CP, thị giá FLC giao dịch ở mức 7.100 - 7.700 đồng/CP. Như vậy ông Quyết có thể đã thu về không dưới 400 tỉ đồng theo giá thị trường từ đợt bán CP này.

Khám xét biệt thự của tỉ phú Trịnh Văn Quyết và trụ sở FLC

Mới đây, trong phiên giao dịch ngày 10.1.2022, CPu FLC tăng kịch trần lên 24.100 đồng/CP, kích thích nhà đầu tư ồ ạt mua vào vì kỳ vọng giá tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) gặp trục trặc, CP FLC bất ngờ đảo chiều giảm kịch sàn khiến những nhà đầu tư nắm CP này hết sức hoang mang.

Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh của FLC trong phiên này cao kỷ lục, tới hơn 135 triệu CP. Sáng 11.1, UBCKNN thông tin cơ quan này đã nhận được báo cáo của HoSE về việc ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu CP FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Sau đó, UBCKNN đã phong tỏa các CP ông Quyết sở hữu, cũng như hủy bỏ giao dịch bán FLC. Ông Quyết cũng bị phạt 1,5 tỉ đồng và cấm giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Khu du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa)

MINH HẢI

Gần đây nhất, ngày 24.3, UBCKNN cũng xử phạt Tập đoàn FLC 495 triệu đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể, công ty bị phạt 200 triệu do công bố thông tin sai lệch về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, bán niên 2021 và báo cáo tình hình quản trị công ty.

FLC cũng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính 2019, bán niên 2020 và các báo cáo từ nhiệm thành viên HĐQT, nghị quyết bổ nhiệm nhân sự, góp vốn. Báo cáo tài chính của FLC còn thuyết minh thiếu các khoản giao dịch, số dư với các công ty liên quan như Nông dược H.A.I, FLC Stone... Ngoài ra, FLC bị phạt do chưa có thành viên HĐQT độc lập theo quy định. Mức phạt cho vi phạm này là 125 triệu đồng.

Hồi tháng 1, một công ty liên quan đến FLC là FLC Homes cũng bị phạt 145 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch lẫn không đúng thời hạn.

Những dự án nghìn tỉ “tai tiếng”

Không chỉ chứng khoán, liên quan đến bất động sản, theo thông tin công khai tại website của mình, FLC giới thiệu một loạt dự án BĐS thuộc các phân khúc tổ hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại; quần thể du lịch, nghỉ dưỡng… trải dài từ bắc tới nam. Tuy nhiên, rất nhiều dự án của FLC bị xử phạt do có nhiều sai phạm.

Đơn cử, năm 2014, FLC triển khai dự án tổ hợp chung cư FLC Complex ở 36 Phạm Hùng, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, gồm 480 căn hộ chung cư, trung tâm thương mại, bể bơi… Khi được đưa vào sử dụng, tại dự án này lại phát sinh hàng loạt lùm xùm. Chẳng hạn như chủ đầu tư bị phanh phui việc đã mở bán chính thức dự án khi chưa hoàn thiện phần móng, vi phạm quy định theo Nghị định 71/2010 của Chính phủ. Cũng trong năm 2014, FLC triển khai khu đô thị FLC Garden City tại P.Đại Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án này có công trình 18 tầng không phép là tòa nhà HH-01 thuộc dự án khu chức năng đô thị nói trên và được coi là vi phạm nổi bật nhất của FLC tại Hà Nội. Nhiều lần công trình này bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm nhưng vẫn ung dung tồn tại.

Năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra đối với 2 dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Nhơn Lý (Bình Định) do FLC làm chủ đầu tư, đã chỉ ra nhiều sai phạm của FLC tại các dự án quần thể nghỉ dưỡng nghìn tỉ đồng. Các sai phạm điển hình như chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ làm sân golf; cấp phép xây dựng sai quy định; xây dựng không phép; xây dựng sai quy hoạch; chính quyền địa phương hợp thức hóa sai phạm…

Tỉ phú Trịnh Văn Quyết từ tay trắng trở thành người giàu có như thế nào?

Đầu năm 2022, Tập đoàn FLC gây xôn xao dư luận với hàng loạt hoạt động được quảng bá, thông tin rộng rãi như: ra mắt thương hiệu vàng, trang sức cao cấp FJC vào tháng 1. Đầu tháng 2, đề xuất đầu tư xây dựng dự án phức hợp 1.200 ha với tổng vốn 80.000 tỉ đồng tại H.Bình Chánh, TP.HCM. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là tòa tháp cao 99 tầng. Cuối tháng 3, Tập đoàn FLC tiếp tục gây chú ý với thông tin ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty thương mại dầu khí Lào (PetroTrade) phát triển dự án tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng kết nối Lào - Việt Nam với chiều dài khoảng 400 km, tổng mức đầu tư 5 tỉ USD.

FLC vay nợ bao nhiêu?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỉ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31.12.2021, chiếm 71% và tổng nguồn vốn. Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỉ đồng, tăng hơn 685 tỉ đồng so với năm ngoái.

Tiêu Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.