Bất thường giao đất 'vàng' ở Bình Dương

12/06/2021 08:00 GMT+7

Liên quan khu đất 43 ha ở P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), từ năm 2010 giá đất của 43 ha được xác định là 570.000 đồng/m 2 , nhưng 6 năm sau (2016) giá đất mà Tổng công ty Bình Dương ký chuyển nhượng vẫn là 570.000 đồng/m 2 .

Liên quan khu đất 43 ha ở P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) đang được Bộ Công an điều tra, theo tài liệu của Thanh Niên, vào năm 2012, ông Trần Văn Nam (thời điểm này là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã ký quyết định giao đất cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương thực hiện liên doanh, góp vốn.

“Đất vàng” giá bèo

Tổng công ty SX-XNK Bình Dương (viết tắt là Tổng công ty Bình Dương) là công ty nhà nước trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.
Năm 2004, Bình Dương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Bình Dương 4.200 ha. Thời điểm này, Tổng công ty Bình Dương được chấp thuận chủ trương tham gia đền bù và đầu tư khu dịch vụ 567,3 ha đất theo hợp đồng được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt. Sau khi vay tiền ngân hàng để chi trả tiền đền bù, Tổng công ty Bình Dương đã quy hoạch thành 3 dự án, gồm: dự án sân golf Twindoves (còn gọi là sân golf Phú Mỹ thuộc liên doanh Công ty CP đầu tư - phát triển Phú Mỹ) 160 ha, dự án sân golf Thái Hòa (thuộc Công ty CP đầu tư - phát triển Tân Thành) 145 ha và dự án khu đô thị dịch vụ thương mại Tân Phú 43 ha.
Ngày 1.7.2010, Tổng công ty Bình Dương ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty CP bất động sản Âu Lạc (viết tắt là Công ty Âu Lạc) thành lập Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú (viết tắt là Công ty Tân Phú) để thành lập liên doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh tại khu đất 43 ha và được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận.
Ngày 9.9.2010, Công ty Tân Phú được thành lập với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trong đó Tổng công ty Bình Dương góp vốn 30% vốn (tương đương 60 tỉ đồng), phần còn lại là vốn góp của Công ty Âu Lạc. Đáng chú ý, tại thời điểm Tổng công ty Bình Dương góp 30% vốn, 43 ha đất được xác định có giá trị 570.000 đồng/m2. Thời điểm này, ông Trần Văn Nam (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã ký văn bản số 54/UBND-KTN ngày 9.1.2012 chấp thuận cho phép Tổng công ty Bình Dương được lập thủ tục giao đất và quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 28.9.2012 về giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích 43 ha cho Tổng công ty Bình Dương.
Bất thường ở chỗ thời điểm ngày 23.11.2012, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục có văn bản số 3444/UBND-KTN do ông Trần Văn Nam ký chấp thuận đơn giá để xác định tiền sử dụng đất cho Tổng công ty Bình Dương thực hiện nghĩa vụ tài chính (nộp thuế) với giá 51.914 đồng/m2 thay vì 570.000 đồng/m2.

43 ha đất “bay hơi”

Theo tài liệu của Thanh Niên, sau khi được giao đất, ngày 8.12.2016, Tổng công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú để thực hiện cam kết về chuyển giao đất theo hợp đồng liên doanh. Giá trị chuyển nhượng là 570.000 đồng/m2. Thêm một điều bất thường, từ năm 2010 giá đất của 43 ha đã được xác định là 570.000 đồng/m2, nhưng 6 năm sau (2016) giá đất mà Tổng công ty Bình Dương ký chuyển nhượng vẫn là 570.000 đồng/m2. Trong khi đó, hằng năm UBND tỉnh Bình Dương vẫn ban hành bảng giá đất trên địa bàn với mức năm sau cao hơn năm trước.
Đáng chú ý, việc ký chuyển nhượng 43 ha đất của Tổng công ty Bình Dương xảy ra trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, nên ngày 29.7.2016, Tỉnh ủy Bình Dương có văn bản số 407-CV/TU yêu cầu chuyển giao 43 ha đất của Tổng công ty Bình Dương cho Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (Công ty trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương quản lý). Tuy nhiên, Tổng công ty Bình Dương đã có văn bản đề xuất Tỉnh ủy Bình Dương xin điều chỉnh phương án sử dụng đất, không bàn giao 43 ha đất về cho Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương.

Diễn biến vụ án tại Tổng công ty Bình Dương

Tháng 4.2020, Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Bình Dương; đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Minh (66 tuổi, chủ tịch HĐQT), Trần Nguyên Vũ (44 tuổi, tổng giám đốc) và ông Huỳnh Thanh Hải (57 tuổi, phó tổng giám đốc). Sau đó, vụ án được chuyển cho Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Tháng 11.2020, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo đưa vụ án xảy ra tại Tổng công ty Bình Dương vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Tháng 1.2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố thêm 4 bị can, gồm: Lý Thanh Châu (39 tuổi, phó tổng giám đốc), Đỗ Thị Thanh Thúy (kế toán trưởng), Huỳnh Công Phát (nguyên phó tổng giám đốc) và Nguyễn Thế Sự (trưởng ban kiểm soát).
Đầu tháng 6.2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam 4 nghi can gồm: Nguyễn Đại Dương (56 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc), Nguyễn Quốc Hùng (62 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Âu Lạc), Phạm Hữu Hiền (34 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Đông Nam), Hồ Hoàng Nam (32 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Đông Nam).
Việc làm này của Tổng công ty Bình Dương đã được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận tại văn bản số 477-CV/TU ngày 29.8.2016 do ông Phạm Văn Cành (Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương ký, hiện đã nghỉ hưu). Sau khi được chấp thuận, Tổng công ty Bình Dương “giữ đất” được 4 tháng thì chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú.

Chuyển nhượng đất xong, chuyển luôn vốn góp

Sau khi chuyển nhượng đất cho Công ty Tân Phú, ngày 13.3.2017, Tổng công ty Bình Dương tiếp tục xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc là công ty do ông Nguyễn Đại Dương (56 tuổi, con rể ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương) làm chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Hùng (62 tuổi, làm tổng giám đốc; hiện cả hai đã bị Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam).
Đến ngày 17.4.2017, ông Trần Văn Nam (thời điểm này là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) chủ trì họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã báo cáo việc Tổng công ty Bình Dương xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Sau đó, ông Phạm Văn Cành (Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy) đã ký thông báo kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 17.4.2017, đồng ý chủ trương cho Tổng công ty Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc.
Sau khi được đồng ý chủ trương, ngày 17.5.2017, Tổng công ty Bình Dương ký hợp đồng với Công ty CP thông tin và thẩm định giá Tây Nam Bộ (SIAC) và Công ty CP thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới, xác định giá trị của Công ty Tân Phú để hoàn chỉnh thủ tục chuyển nhượng cho Công ty Âu Lạc. Theo đó, Công ty CP thông tin và thẩm định giá Tây Nam Bộ đã có văn bản xác định tại thời điểm 31.3.2017, giá trị của Công ty Tân Phú chủ yếu là quyền sử dụng đất 43 ha có giá trị hơn 579 tỉ đồng với đơn giá 1,38 triệu đồng/m2. Theo báo cáo của Tổng công ty Bình Dương, ngày 2.8.2017 đã ký chuyển nhượng 30% vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với mức giá hơn 161 tỉ đồng. Theo điều tra ban đầu của Bộ Công an về vụ án “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Bình Dương”, xác định tài sản nhà nước đã bị thất thoát hơn 126 tỉ đồng.
Tại cuộc họp thông tin cho báo chí ngày 10.6 của Hội đồng Bầu cử quốc gia, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ra nghị quyết không xác nhận tư cách đối với ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
Liên quan đến việc này, bà Thanh khẳng định, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Trong đó, ông Trần Văn Nam có một số vi phạm, khuyết điểm, đó là vi phạm Quy định 47 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về những điều đảng viên không được làm và việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của ông Nam từ khi là Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.