Ngày 8.11 tới đây, cử tri Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng để quyết định thành phần tiếp theo của cơ quan lập pháp Mỹ.
Theo quy định, các hạ nghị sĩ Mỹ có nhiệm kỳ 2 năm nên trong cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ sắp tới, cử tri Mỹ sẽ bầu lại tất cả 435 ghế hạ nghị sĩ. Trong khi đó, mỗi bang sẽ có 2 thượng nghị sĩ và có nhiệm kỳ 6 năm. Do đó, 1/3 trong tổng số 100 số thượng nghị sĩ, tương đương với 35 ghế sẽ được bầu lại.
Cử tri bỏ phiếu sớm tại Las Cruces, bang New Mexico ngày 24.10 |
Reuters |
ABC News cho biết tính đến ngày 29.10 đã có hơn 17 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm, trong đó hơn 6 triệu cử tri bầu trực tiếp, số còn lại gửi phiếu bầu qua đường bưu điện. Giáo sư Michael McDonald thuộc Đại học Florida và là người đứng đầu Dự án Bầu cử cho biết một số bang đã mở cửa bỏ phiếu sớm trong tuần qua nên số cử tri đi bỏ phiếu sớm tăng mạnh. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm năm nay khá cao so với các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ rất quan trọng bởi việc đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden có kiểm soát được cả hai viện hay không có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành chương trình nghị sự hoặc chính sách của ông trong thời gian tới.
Chặng đua nước rút
Trong 2 năm qua, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số ghế ở cả Hạ viện và Thượng viện, tạo điều kiện để ông Biden có thể dễ dàng thông qua những điều luật và chính sách mà ông muốn. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa thành viên đảng Dân chủ và Cộng Hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện là không đáng kể. Điều này đang tạo ra sự cạnh tranh gay cấn trong cuộc bầu cử sắp tới.
Một số quan chức cho biết Nhà Trắng đã hạ thấp sự lạc quan bởi lo ngại rằng đảng Dân chủ có thể mất quyền kiểm soát cả hai viện của quốc hội. Theo kết quả thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, tỷ lệ ủng hộ ông Biden dao động ở mức 39%.
Hiện tại, Thượng viện khóa 117 đang ở thế rất sít sao. Đảng Dân chủ chỉ nắm giữ đa số mỏng manh trong tổng số 100 thành viên viện này, số ghế chia đều cho mỗi đảng nhưng vì Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ, nên lá phiếu “phá băng” của bà đã cho phép đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện. Như vậy, đảng Cộng hòa chỉ cần thắng 1 ghế trước đảng Dân chủ là có thể kiểm soát Thượng viện trong ít nhất 2 năm tới.
Nhiều khả năng, đảng Cộng hòa sẽ chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ vẫn giữ đa số ghế ở Thượng viện. Ngoài các ghế mà cả hai đảng đều chắc suất ở cả Hạ viện và Thượng viện thì còn khoảng 30 ghế tại Hạ viện chưa chắc đã thuộc về bên nào và các khu vực ngoại ô ở các bang Pennsylvania, California, Ohio và Bắc Carolina sẽ là các khu vực “chiến địa”.
Khả năng đảng Cộng hòa sẽ giữ ghế ở các bang bảo thủ như Alabama và Idaho, trong khi đảng Dân chủ khả năng sẽ giành chiến thắng ở các bang tự do như California và New York. Điều này khiến cuộc đua vào quốc hội Mỹ thực chất chỉ diễn ra ở một số ít tiểu bang dao động, nơi mà cử tri chưa có khuynh hướng ủng hộ rõ ràng.
Hiện cử tri Mỹ đang khá chia rẽ trong vấn đề người di cư khi có 35% số người được hỏi đặt niềm tin vào đảng Cộng hòa, cao hơn 3% tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, đảng Dân chủ lại giành được sự tin tưởng của cử tri Mỹ liên quan vấn đề đối phó Covid-19, biến đổi khí hậu, bạo lực do súng đạn và tình trạng nạo phá thai.
Một cử tri bỏ phiếu sớm tại Silver Spring, bang Maryland ngày 28.10 |
AFP |
Giới quan sát dự báo, kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới có thể bị tác động bởi lá phiếu của các cử tri thế hệ Z (cử tri sinh từ năm 1997 đến năm 2012). Những vấn đề như lạm phát, quyền tiếp cận phá thai và công bằng chủng tộc là những mối quan tâm hàng đầu của thế hệ này.
Các chuyên gia nhận định, chiến thắng của đảng Cộng hòa tại Hạ viện hoặc Thượng viện có thể gia tăng chia rẽ đảng phái ở thủ đô Washington D.C, đặt ra vô số thách thức cho chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Biden trong 2 năm tới. Hơn nữa, việc đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội cũng có thể góp phần gia tăng sức nặng tiếng nói của cựu Tổng thống Donald Trump, người được cho là ứng cử viên của đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Việc mất quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của quốc hội sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hai năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden bởi các đảng viên Cộng hòa có khả năng chặn một số luật về gia đình, phá thai; kiểm soát các ưu tiên khác của Tổng thống Biden; và sẽ thúc đẩy các luật mới để hạn chế nhập cư, chi tiêu, mức trần nợ…
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ
Một số thách thức kinh tế lớn có thể tạo ra sự ảnh hưởng lớn và sẽ quyết định lá phiếu của cử tri Mỹ trong việc xác định ai là người kiểm soát quốc hội Mỹ.
Lạm phát
Tình trạng lạm phát tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 9 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức tăng 8,3% của tháng 8. Đây cũng là tháng thứ 3 CPI của Mỹ tăng chậm lại so với tháng trước đó.
Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang tăng lãi suất nhằm đưa cung cầu về trạng thái cân bằng, giảm lạm phát nhưng có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái sâu bởi làm xói mòn nhu cầu và tổn hại đến tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Sự ổn định kinh tế hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cử tri Mỹ và cả hai đảng đều đã tập trung tranh luận về vấn đề này. Trong khi đảng Dân chủ chỉ ra rằng giá nhiên liệu đang giảm thì đảng Cộng hòa nhấn mạnh lạm phát vẫn cao, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm.
Tỷ lệ thất nghiệp và tăng lương
Các số liệu công bố tuần qua cho thấy, việc làm tại Mỹ đã giảm 1,1 triệu trong tháng 8 và số người thất nghiệp tăng nhiều hơn dự kiến. Đến tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,2% xuống còn 3,5% và nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 263.000 việc làm trong các lĩnh vực phi nông nghiệp.
Đây được xem là thông tin tốt giúp hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát tràn lan. Hơn nữa, theo giáo sư về kinh tế Kenneth McLaughlin thuộc Đại học Hunger ở New York, đối với cử tri trung bình của Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp và tăng lương rất quan trọng. Theo giáo sư McLaughlin, cuộc bầu cử giữa kỳ có thể trở thành “một cuộc bầu cử tăng lương”, đồng thời nói thêm rằng năm ngoái, lương đã tăng 5,2% trong khi lạm phát tăng 8,3%.
Theo cuộc khảo sát mới đây của Monmouth, 68% số người được hỏi đã xếp hạng việc làm và thất nghiệp là một vấn đề cực kỳ hoặc rất quan trọng, đáng được chính phủ quan tâm.
Mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhiều trong những tháng gần đây nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy giá xăng dầu ở Mỹ sẽ tăng, nhất là trong bối cảnh đầu tháng 10 vừa qua, OPEC đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu thô/ngày để trợ giá.
Chuyên gia năng lượng Jim Krane tại Đại học Rice ở Texas đánh giá giá xăng dầu luôn là lá bài bất ngờ trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Mặc dù các cử tri đổ lỗi cho Tổng thống Biden và đảng Dân chủ về việc khiến giá xăng dầu tăng cao, nhưng thực tế hầu như chính phủ Mỹ lại không liên quan đến giá nhiên liệu.
Khủng hoảng nhà ở
Nhà ở là lĩnh vực nhạy cảm trong nền kinh tế Mỹ. Trong năm qua, lãi suất cho khoản thế chấp cố định 30 năm đã tăng từ 3,01% lên 6,66%. Giá nhà ở Mỹ đã tăng chóng mặt ở mức 16,5% so với năm ngoái do cơn sốt mua nhà gia tăng trong thời gian đại dịch Covid-19.
Việc FED tăng lãi suất khiến hàng triệu người Mỹ có thể không mua được nhà và khi đó họ sẽ trút sự thất vọng vào lá phiếu của mình trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới đây.
Cristian deRitis, nhà kinh tế hàng đầu tại công ty nghiên cứu Moody’s ở New York nhận định giá nhà tăng, chi phí thế chấp và lãi suất tăng khiến nhiều người không mua được nhà phải chuyển qua thuê nhà. Việc FED tăng lãi suất để kìm giá nhà trong trường hợp này đang có tác dụng ngược lại khi vừa làm chậm doanh số bán nhà lại vừa làm tăng giá thuê nhà, do đó, kéo lạm phát tiếp tục gia tăng.
Xóa nợ cho sinh viên
Nợ của sinh viên là vấn đề nóng trong nhiều năm nay khi hàng triệu thanh niên Mỹ đang phải gánh khoản nợ này. Tổng thống Joe Biden đã thực hiện lời hứa xóa nợ cho sinh viên và vấn đề này tạo được sự ủng hộ của nhiều cử tri trẻ của Mỹ.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa đặt ra câu hỏi là người dân Mỹ sẽ chấp nhận điều này như thế nào bởi chương trình xóa nợ của ông Biden ước tính lên tới từ 440 - 600 tỉ USD trong 10 năm tới. Hơn nữa, kế hoạch này dường như đang gặp nguy hiểm khi phải đối mặt với các vụ kiện tụng và các thách thức pháp lý khác.
Tuần trước, 6 bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã tuyên bố họ đang kiện chính quyền Tổng thống Biden để ngăn chặn kế hoạch xóa nợ khoản vay sinh viên cho hàng chục triệu người Mỹ. Họ buộc tội ông đã vượt quá quyền hành pháp của mình.
Các cuộc thăm dò cho thấy, đây là vấn đề gây chia rẽ không nhỏ trong số các cử tri Mỹ.
Thách thức pháp lý
Hầu hết mọi cuộc bầu cử đều có những thách thức pháp lý nhưng phần lớn trong số đó thường đến sau Ngày bầu cử. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay đã có hơn 100 vụ kiện đã được đệ trình xung quanh cuộc bầu cử ngày 8.11. Các thách thức pháp lý phần lớn thuộc về đảng Cộng hòa khi họ nhắm mục tiêu các quy tắc về bỏ phiếu bằng thư, bỏ phiếu sớm, quyền tiếp cận của cử tri, máy bỏ phiếu, đăng ký bỏ phiếu, kiểm đếm số phiếu bầu vắng mặt không được đánh dấu và quyền truy cập cho những người theo dõi cuộc thăm dò của các đảng.
Trong khi đó, các nhóm do đảng Dân chủ lãnh đạo đã khởi xướng khoảng 35 vụ kiện, chủ yếu là về việc giúp bỏ phiếu dễ dàng hơn.
Điều này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn nhiều tranh cãi sau ngày bầu cử là rất lớn.
Tỉ phú Elon Musk đã chính thức mua lại thành công Twitter |
AFP |
Việc Elon Musk tiếp quản Twitter
Twitter cũng như nhiều nền tảng mạng xã hội phổ biến khác đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử tại Mỹ. Hiện nay, có khoảng 20 nhân viên Twitter tình nguyện tham gia hỗ trợ “Nhóm bầu cử” nhằm xác định thông tin sai lệch về bầu cử, phát hiện các thiết bị ảo thúc đẩy tuyên truyền những thông tin này và việc gắn cờ cảnh báo những bài viết vi phạm quy tắc Twitter.
Tuy nhiên, tờ The Washington Post cho rằng, vấn đề đặt ra mới đây là tỉ phú Elon Musk đã hoàn tất thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỉ USD và chính thức tiếp quản công ty từ ngày 28.10 (giờ Mỹ). Ông Musk cho biết sẽ cân nhắc lại chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter, cho phép một số người bị “cấm cửa” trên nền tảng này tái xuất và sa thải khoảng 75% nhân sự công ty.
Sự thay đổi này sẽ có tác động rất lớn đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nó sẽ tác động theo hướng nào nhưng nhiều người lo ngại ông Musk sẽ đảo lộn các nỗ lực của Twitter trong việc hỗ trợ bầu cử Mỹ như trước đây.
Điểm chung giữa hai đảng
Các chuyên gia đánh giá, sau nhiều năm rạn nứt, đảng Dân chủ và Cộng hòa đã có được sự đồng thuận về ít nhất hai trong số nhiều ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden đó là về Trung Quốc và xung đột Nga - Ukraine.
Sau cuộc bầu cử giữa kỳ cho dù đảng nào chiếm ưu thế trong Quốc hội Mỹ đi chăng nữa thì cách tiếp cận của Washington đối với Bắc Kinh sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, kế hoạch viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể sẽ có nhiều biến động nếu như đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện.
Ông Leslie Vinjamuri, Giám đốc Chương trình Mỹ và châu Mỹ tại Viện Nghiên cứu Chatham House, cho biết nhiều nghị sĩ Cộng hòa muốn tăng cường hỗ trợ vũ khí và giảm bớt các hạn chế trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng này phản đối gói viện trợ cho Ukraine.
Hồi tháng 5 vừa qua, 57 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu phản đối gói viện trợ trị giá 40 tỉ USD cho Ukraine, trong khi đó, tại Thượng viện, 11 nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng có động thái tương tự.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ đang vào chặng đua nước rút và được coi như một cuộc trưng cầu dân ý toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Hiện nay, nhiều dự báo cho thấy đảng Cộng Hòa sẽ chiếm ưu thế ở Hạ viện và đảng Dân chủ vẫn sẽ giữ được Thượng viện. Kết quả bầu cử cũng sẽ cho thấy đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải chờ thêm kết quả cuối cùng trong những ngày tới.
Bình luận (0)