Bầu cử Thượng viện Nhật: LDP sẽ chiến thắng áp đảo?

21/07/2013 10:45 GMT+7

(TNO) Ngày 21.7, cử tri Nhật sẽ bỏ phiếu bầu các ghế ở Thượng viện. Kết quả các cuộc thăm dò đang nghiêng về đảng cầm quyền của ông Abe.

(TNO) Hôm nay 21.7, cử tri Nhật sẽ bỏ phiếu bầu 121 thành viên mới trong tổng số 242 ghế tại Thượng viện. Kết quả các cuộc thăm dò đang nghiêng về đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, theo AP.

Cuộc bầu cử bắt đầu lúc 7 giờ sáng hôm nay (giờ địa phương) ở khắp Nhật Bản. Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa lúc 20 giờ cùng ngày và kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố sau đó trên truyền hình.

Tổng cộng 433 ứng cử viên đã nộp đơn tranh cử vào 121 trong tổng số 242 ghế tại Thượng viện.

Trong số 121 ghế được bỏ phiếu lần này có 73 ghế sẽ thuộc về các ứng cử viên đến từ các đơn vị bầu cử tại 47 tỉnh. 48 ghế còn lại được chọn ra từ hệ thống bầu cử theo tỷ lệ ủng hộ chính đảng trên phạm vi cả nước.

Hãng tin Kyodo dẫn kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy LDP dự kiến sẽ giành được đa số ghế tại Thượng viện.

Những người ủng hộ ông Abe cho rằng nếu LDP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ giúp chính phủ ông Abe kiểm soát đa số Thượng viện và Hạ viện, tức có thêm quyền lực để thực hiện các kế hoạch cải tổ nền kinh tế, cải tổ thị trường lao động, tự do thương mại, thuế tiêu dùng, chính sách dân tộc…

Trước đó, các chính đảng Nhật Bản đã nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trong ngày tranh cử cuối cùng 20.7, trước khi chính thức bước sang ngày bầu cử Thượng viện hôm nay.

Thủ tướng Abe hôm 20.7 đã nói về lợi ích các chính sách kinh tế của ông, được báo chí ví von là “Abenomics” (Thuyết kinh tế Abe).

“Các chính sách kinh tế mà chúng tôi theo đuổi đang đi đúng hướng. Trên thực tế, chúng tôi đang trên đỉnh của phục hồi kinh tế”, Kyodo dẫn lời phát biểu của ông Abe tại tỉnh Yamagata.

Các đảng đối lập chỉ trích chính sách kinh tế của ông Abe và bày tỏ quan ngại về sự thống trị của LDP, vốn được cho là có chính sách cứng rắn trong giải quyết căng thẳng tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các nhà quan sát chính trị cho BBC biết trong tương lai, chính quyền ông Abe sẽ có những thay đổi chính sách gây tranh cãi.

Một là, tái khởi động các lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân. Nhiều người dân Nhật vẫn đang phản đối điện hạt nhân sau sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện Fukushima hồi tháng 3.2011, thời điểm nước Nhật hứng chịu trận động đất sóng thần kinh hoàng khiến hàng ngàn người chết và mất tích.

Hai là, việc sửa đổi các chính sách dân tộc của chính phủ ông Abe có thể gây căng thẳng với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các nhà quan sát nhận định rằng chính phủ ông Abe có khả năng sửa đổi, “nới lỏng” một phần hiến pháp của Nhật Bản, vốn cấm sử dụng lực lượng vũ trang trong các vụ tranh chấp quốc tế, ngoại trừ phòng vệ.

Kể từ khi lên cầm quyền từ cuối tháng 12.2012, ông Abe luôn thể hiện đường lối cứng rắn về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, theo Reuters.

Hồi tháng 4, ông Abe từng tuyên bố Tokyo sẵn sàng “sử dụng vũ lực” để bảo vệ lãnh thổ, trong trường hợp Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phúc Duy

>> Trung Quốc lại điều tàu hải giám đến Senkaku/Điếu Ngư
>> Thủ tướng Nhật úy lạo lực lượng canh gác Senkaku/Điếu Ngư
>> Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Senkaku/Điếu Ngư là lợi ích cốt lõi
>> Mỹ thúc giục Trung Quốc “xuống thang” đối với Senkaku/Điếu Ngư
>> Du khách Trung Quốc xin visa Nhật giảm vì Senkaku/Điếu Ngư
>> Ông Abe muốn Bắc Kinh xin lỗi vụ nhắm ra-đa bắn tàu chiến Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.