Bây giờ tết có còn xưa?

03/02/2022 10:43 GMT+7

Hiện nay nhiều người cổ súy cho lối sống “tiếp hiện”. Từng phút từng giây neo mình trong hiện tại. Sống giờ này trọn vẹn cho giờ này, sống hôm nay “hết mình” cho hôm nay. Và tết cũng dần như thế?

Ngược thời gian trở về quá khứ với... tết

Ngôi nhà tâm tưởng có 3 buồng. Hãy khóa chặt buồng Quá khứ. Niêm phong buồng Tương lai. Chỉ mở cửa thường xuyên cho căn buồng Hiện tại. Vì quá khứ đã chết. Tương lai ai biết được điều gì. Chỉ có neo trú trong phút giây hiện tại mới cho mình cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn.

Tôi không phản đối cách sống đó. Nhưng thật tình, trong các món ăn tinh thần, tôi thích nhất món “hoài niệm”. Nhiều khi giữa cái hiện thực căng đầy những lo âu, mệt mỏi, tôi hay “ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng”. Kiểu như Nguyễn Nhật Ánh: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Bởi vậy nên mỗi lần đắm mình trong hoài niệm, tôi vẫn thấy đủ đầy hương vị xa xưa.

Bên bếp lửa xuân nào

trần cao duyên

Như lúc này đây, giữa những ngày đón tết Nhâm Dần ồn ã, tôi vẫn nghêu ngao với mình: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa. Một chiều xuân em đã hẹn hò”, mặc ai đó cho rằng tôi là... Mari Sến.

Tết những năm thơ ấu thiêng liêng và háo hức vô cùng. Bọn trẻ chân đất, đầu trần, quần đùi, áo không có nút (vì đứt hết, mẹ tra không kịp) kéo nhau đi khắp xóm. Đi để... hít mùi bánh, mùi mứt người ta phơi trên nong nia trước sân. Thôi thì đủ các “thể loại”: Bánh mì xốp, bánh tai heo, bánh rế, bánh in, bánh nổ, bánh thuẫn, bánh đậu, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao... Loại bánh nào, thứ mứt nào cũng là những món... thần tiên vì lũ trẻ hồi đó đói ăn, thèm ngọt.

Mùi vải mới còn thơm đến tận bây giờ

Ông Từng là thợ may nổi tiếng trong làng. Trẻ nhỏ thường được cha mẹ gởi vải, đo may đồ tết ở đây. Hàng chục đứa trẻ ngày hai buổi đều ứng trực nhà ông, coi đồ mình may chưa. Lúc đầu ông từ tốn, nói mấy đứa về đi, trễ lắm là chiều 30 tết đứa nào cũng có đồ mới. Nhưng không đứa nào chịu về. Cứ ngồi miết trên hiên nhà ông như “xã hội đen” đòi nợ bây giờ.

Phải như ngồi chơi đàng hoàng chắc ông không nói làm gì. Đằng này cả đám gân cổ cãi nhau, ồn ào như cái chợ: Bánh nhà ai nhiều, vạn thọ nhà ai đẹp, mai nhà ai xinh... Nản quá, ông suỵt chó gầm gừ, sủa vang. Đám trẻ chạy biến trong vòng... một nốt nhạc.

Nhưng bữa sau vẫn những đứa trẻ ấy mò tới, thập thò ngoài cổng. Lấy được rồi thì mừng hết lớn, ôm đồ chạy như bay. Về nhà mặc thử rồi cởi ra vì sợ cũ. Lát sau lại mặc vào. Rồi lại cởi ra. Ngày mặc thử bảy tám lần như vậy. Vải hồi đó chất lượng kém lắm. Nhưng mùi vải mới thì vẫn còn thơm đến tận bây giờ.

Cúng tất niên

trần cao duyên

Văn hóa tết làng

Chiều cuối năm mẹ nói, mỗi năm một tuổi, không con nít con nôi gì nữa đâu. Từ nay nói cái gì cũng phải nhỏ nhẹ, kính trên nhường dưới. Cái này thì tôi hiểu, vì ở trường thầy cô vẫn hay dạy.

Mẹ còn dặn, để cái gì ở đâu phải nhớ, không được hỏi lung tung trước giao thừa và cả ngày mùng một tết. Sau này mới biết, hỏi lắm thứ là biểu hiện bản thân không ý tứ, thiếu gọn gàng, làm phiền người khác.

Rồi mẹ nhắc đi nhắc lại, tuyệt đối không mở tủ lục lạo, kiêng cữ quét nhà. Mùng ba tết mới quét nhưng vẫn tóm rác vào góc nhà chứ không quét ra sân vì sợ của cải, tiền bạc đội nón ra đi hết. Cái này chắc mê tín. Có lẽ đây là những “tù đọng” sau lũy tre làng.

Lại còn chuyện vứt nhiều cọng rau muống vô tủ, nhét vào rương hòm, thảy vô bồ lúa, bỏ vô thạp đựng gạo với quan niệm “muốn gì được nấy”. Khổ! Muốn này là ước muốn, không có “g”. Có phải là “muống” trong “rau muống” đâu. Vậy mà tới giờ, thế kỷ 21 sắp qua một phần tư, nhiều làng quê vẫn còn tập tục này.

Sớm mùng một tết, sương chưa tan đã thấy những cụ già khăn đóng, áo dài đen, dắt thằng nhỏ chừng 7, 8 tuổi, cầm xị rượu đi cúng viếng nhà thờ tộc. Ở đó toàn chuyện lễ nghĩa, mùa màng, chuyện học hành của con cháu, chuyện chấn hưng dòng họ... Sau đó thì đi lễ đình, chùa, lăng, miếu. Rồi đi hái lộc đầu năm.

Đến những năm học cấp 2, tôi mới được thầy nói đó là văn hóa tết làng, nét cổ xưa nghìn năm, xanh như lũy tre, uyển chuyển như lũy tre. Mất văn hóa tết làng là mất đi giềng mối, cội nguồn. Tôi thật không hiểu sao có người đề nghị bỏ tết, bỏ luôn câu “Tiên học lễ hậu học văn”.

Mộc mạc tết quê

trần cao duyên

Rồi đến những năm bao cấp. Tết về, người làng chạy hụt hơi để có chút hương vị tết nhưng tất cả đều vui. Thiếu thịt thì rủ nhau hợp tác, 10 nhà cạnh nhau đậu tay mua con heo chừng 70 kg, mổ tại giếng xóm rồi chia nhau ăn tết. Cứ khéo ăn thì no khéo co thì ấm vậy để “đối phó” với những cái tết khó khăn. Nhiều xóm còn có sáng kiến để lại khoảng chục ký thịt để làm cái tất niên xóm cho vui. Tại đây, nhiều vụ xích mích, thành kiến, va chạm... trong xóm được xóa bỏ bằng những cái cười xòa.

Tết có còn xưa?

Hơn 30 năm nay, đời sống ổn định, xã hội phát triển, kinh tế tăng trưởng, cơn lốc đô thị hóa tác động vào nông thôn, vật chất phục vụ tết không còn là vấn đề đáng lo. Ngay cả một năm căng thẳng sau đại dịch, việc sắm tết cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng sự thiêng liêng ấm cúng dịp tết đến xuân về có phần nào đó giảm đi.

Hàng hoa tết ở làng quê

trần cao duyên

Quê tôi (vùng nông thôn Quảng Ngãi), tết nào cũng lãnh đủ “cơn bão âm thanh” của hàng chục chiếc “mô tô độ” lạng lách, đánh võng. Con trai cầm lái, con gái ngồi sau "vểnh phao câu", cầm bong bóng la hét như bị ma đuổi.

Đầu năm, đi nghĩa trang viếng mộ người thân mà ăn mặc như đi dự hội: lòe loẹt, hở hang, cũn cỡn. Cúi xuống thắp nhang, người trước thấy lấp ló một mảnh “vườn đào”, người sau thấy một cõi “mông lung”. Nơi yên nghỉ của người đã khuất mà nẹt pô ầm ĩ. Người đi bộ hành hương phải bịt tai, lắc đầu ngao ngán.

Nói là về quê ăn tết với gia đình nhưng cứ ở miết ngoài đường. Lịch liên hoan, họp nhóm, họp lớp, picnic, du lịch... choán hết những bữa cơm nhà đoàn tụ, quây quần, ấm cúng.

Người quê ngơ ngác hỏi nhau: Bây giờ tết có còn xưa?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.