Bay hàng ngàn tỉ vì đầu tư tiền ảo

17/08/2020 06:16 GMT+7

Hàng loạt vụ lừa đảo từ các hoạt động huy động vốn đa cấp trái phép, huy động tiền ảo... dù được cơ quan quản lý cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục diễn ra.

Đầu tư 10 triệu đồng thành 1 triệu USD sau 3,5 năm!

Mới đây, 25 nhà đầu tư đồng loạt ký tên gửi đơn đến Báo Thanh Niên tố cáo về chiêu trò tiền tỉ của trang web Bitkingdom. Cụ thể, theo bà H.T.T.N (Q.Tân Bình, TP.HCM), từ tháng 4 - 6.2016, nhóm nhà đầu tư này được L.Đ.N (được xem là thủ lĩnh của hệ thống Bitkingdom - PV) mời đi dự sự kiện giới thiệu Bitkingdom đã tồn tại ở nhiều nước trong mấy chục năm nay và giúp rất nhiều người thoát nghèo, trở thành người giàu có từ sự hỗ trợ của cộng đồng.
Hệ thống Bitkingdom đưa ra khẩu hiệu “Trao quyền cho cộng đồng - Chấm dứt nghèo” kêu gọi mọi người đầu tư 10 triệu đồng, sau 3,5 năm lên 1 triệu USD. Tin vào lời mời của L.Đ.N, bà H.T.T.N và nhiều người đã bỏ tiền mua Bitcoin (BTC) rồi chuyển vào sàn Bitkingdom, không rút lãi hằng tháng mà cộng dồn vào vốn, tiếp tục xoay vòng đầu tư. Ở thời điểm bấy giờ, giá Bitcoin khoảng 13 - 14 triệu đồng/BTC, bà H.T.T.N đã bỏ ra khoảng 3,6 tỉ đồng để mua 264 BTC.
Tương tự, một thành viên khác là bà N.T.T.N (Đắk Nông) kể: “Mấy anh em trong nhà gom góp tiền tích cóp và còn vay mượn người quen để mua 80 BTC. Giờ mất trắng! Không những vậy, người trong gia đình còn căng thẳng với nhau”.
Theo bà N.T.T.N, từ tháng 8.2016, L.Đ.N cùng đồng bọn thực hiện chuyển đổi đồng BTC sang đồng BKC do họ tạo ra với tỷ lệ 1 BTC = 1 BKC. Sau đó, nhóm L.Đ.N mở một kế hoạch tuyên truyền quảng bá đồng AUREUS (AUR) được sử dụng trong Vương quốc Bitkingdom trên toàn cầu và chuyển đổi từ BKC sang AUR (giá 1 AUR từ 50 - 100 USD). Sau khi chuyển đổi sang AUR, nhóm L.Đ.N thực hiện xóa website bitkingdom.com.
Giá của AUR cũng giảm mạnh về 0,5 USD/AUR và khi giới đầu tư phản ứng mạnh, L.Đ.N đã tổ chức các buổi gặp và trấn an mọi người bằng cách “vẽ” ra các dự án phát triển cho đồng AUR sẽ tăng giá trị trong tương lai.
Nhiều nhà đầu tư đến Báo Thanh Niên tố cáo bị lừa trong đường dây đa cấp tiền ảo vào cuối tháng 6.2020 ẢNH: NGỌC LÊ

Nhiều nhà đầu tư đến Báo Thanh Niên tố cáo bị lừa trong đường dây đa cấp tiền ảo vào cuối tháng 6.2020

ẢNH: NGỌC LÊ

Nhóm L.Đ.N kêu gọi mọi người tham gia mua thêm AUR với giá 0,5 USD và trả cổ tức hằng tháng. Các nhà đầu tư được xoa dịu và tham gia vào mà không biết đây là cú lừa cuối cùng vét sạch tiền của mọi người. Sau 3 tháng nhận cổ tức với giá trị rẻ mạt của đồng AUR, nhóm L.Đ.N kéo dài thời gian trả cổ tức và khóa trang AUREUS.com, tẩu thoát.
Những người đã bỏ tiền tỉ vào Bitkingdom nêu trên đến từ nhiều nơi như TP.HCM, Quảng Trị, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông... Trong đó, có ông N.N.T (Q.Gò Vấp, TP.HCM) mua đến 498 BTC tham gia hệ thống Bitkingdom và mất toàn bộ số Bitcoin này tính theo giá trị hiện tại hơn 107 tỉ đồng. Chỉ riêng 25 người nêu trên, số tiền tích cóp, vay mượn đưa ra mua tổng cộng 2.637 BTC, tương đương khoảng 37 tỉ đồng. Còn tính đến ngày 16.8, giá Bitcoin tăng lên 20 lần, tương đương số tiền của họ trị giá hơn 725 tỉ đồng thì toàn bộ đều bốc hơi.
“Chỉ mới tính sơ 25 nhà đầu tư của nhóm đã thiệt hại hơn 700 tỉ đồng, trong khi số người tham dự mạng lưới này trên toàn quốc ước tính khoảng 32.000 người, thiệt hại khoảng hàng ngàn tỉ đồng”, bà H.T.T.N chia sẻ.

Chiêu thức lừa đảo biến hóa

Trên thực tế, hàng loạt trang web, tổ chức đa cấp lừa đảo vẫn diễn ra thường xuyên với các chiêu trò liên tục thay đổi khôn lường, phụ thuộc vào tình hình thị trường đang “chuộng” cái gì. Chẳng hạn trước đây là tiền ảo thì hiện nay đang chuyển hướng sang kênh cổ phiếu quốc tế, thị trường ngoại hối (forex)...
Như mô hình Crowd1 đang kêu gọi giới đầu tư tham gia được quảng bá là mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết chia sẻ đám đông, 80% nguồn doanh thu có được dùng để chia sẻ cho những thành viên phát triển cộng đồng.
Crowd1 có 4 gói đầu tư gồm từ 99 - 3.500 euro (EUR), nhà đầu tư tham gia sẽ nhận được lượng cổ phiếu của 2 công ty con của Crowd1 là Affilgo (ký hiệu A, có giá khởi đầu là 2 EUR) và Miggster (ký hiệu là M, giá khởi đầu là 0,5 EUR), 2 công ty vận hành theo mô hình game và casino. Mô hình Crowd1 có 5 loại hoa hồng dành cho nhà đầu tư theo mô hình đa cấp và được chi trả gồm 80% EUR và 20% cổ phiếu A, M... Thực chất, mô hình hoạt động của Crowd1 là đa cấp theo hình thức ponzi (người vào sau trả tiền cho người trước kèm theo lãi hoặc hoa hồng cao).
Hay tại Việt Nam, trong tuần vừa qua, Công an tỉnh Bình Phước đã đưa ra khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, không tham gia nạp tiền vào ứng dụng thanh toán hộ có tên Myaladdinz. Để tham gia ứng dụng, người dùng đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời phải nạp vào tài khoản của mình số tiền ít nhất là 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng. Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng với 1 USD.
Về cách thức sử dụng, người dùng khi thanh toán hóa đơn bằng “gem” sẽ được ứng dụng này hoàn trả 80% “gem” khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền. Một trường hợp khác là người dùng không cần mua bán gì, chỉ cần dùng tiền thật để mua “gem” (tức là nạp tiền vào tài khoản) rồi sau đó dùng “gem” đổi ra “điểm” (hay còn gọi là Poinst) để nhận lãi từ 0,2 đến 0,1% điểm mỗi ngày. Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp.
Về bản chất, ứng dụng Myaladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư...
Năm 2016, Báo Thanh Niên có bài Chơi hụi xuyên quốc gia cảnh báo về mô hình Bitkingdom lừa đảo. Mới nhất vào cuối tháng 6.2020, Báo Thanh Niên cũng có loạt bài Sập bẫy tiền ảo về đường dây kinh doanh tiền ảo lừa đảo và nhiều nhà đầu tư đã mất toàn bộ tiền tham gia... Thế nhưng cứ hết dây này bị vỡ lại có mô hình khác xuất hiện..., kéo theo nhiều người sập bẫy tiền tỉ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.