Bẫy lừa bán hàng qua mạng

08/11/2016 10:00 GMT+7

Liên tiếp thời gian vừa qua, hàng loạt vụ lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội bị lực lượng công an triệt phá, nhưng gần đây vẫn có thêm một loạt nạn nhân rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo này.

Phản ánh tới Thanh Niên, chị N.T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngày 3.11 chị có đặt mua 3 chiếc ví và 3 đôi giày tại gian hàng online “N. Boutique”, với tổng giá trị đơn hàng 3,1 triệu đồng.
Tiền đã chuyển, hàng bặt vô âm tín
Theo cam kết, sau 2 ngày chuyển khoản qua ngân hàng chị H. sẽ nhận được hàng. Ngày 3.11, chị H. ra Ngân hàng TMCP Vietcombank chuyển tiền vào tài khoản có tên Ly Chi Cao, tuy nhiên đợi hết ngày thứ bảy vẫn không thấy hàng về. Nhận thấy nhiều khả năng mình đã bị lừa, chị gọi điện thoại thì máy không liên lạc được, nhắn tin qua Facebook thì đã bị chủ gian hàng này chặn. “Đã 5 ngày trôi qua tôi vẫn không nhận được hàng và không cách nào liên lạc được với họ”, chị H nói.
Trong vai một khách hàng khác, chúng tôi vào đặt mua một số sản phẩm của “N. Boutique” được chào hàng với nhiều ưu đãi, khuyến mãi sốc. Khi ngỏ ý muốn thanh toán trực tiếp, chủ cửa hàng cho địa chỉ giao hàng tại TP.HCM. Trong vai một khách hàng khác tại TP.HCM chủ cửa hàng này lại nói địa chỉ ở tòa nhà Becamex Bình Dương... “Tôi cũng đã nhờ một số người bạn qua lấy hàng trực tiếp nhưng lúc thì họ nói ở TP.HCM, khi ở Đồng Nai, khi lại ở Hà Nội. Chắc chắn đây là một gian hàng lừa đảo”, chị H. bức xúc nói.


Tôi đặt 10 cân cam Cao Phong, 10 cân cá hồi Na Uy, salad, rau thơm... đơn hàng lên tới 7 triệu đồng. Chiều trước bữa tiệc, nhận thì rau héo, cá ươn. Tiền đã chuyển khoản rồi, hàng thì họ thuê xe ôm chở đến, gọi điện thì cãi nhau chí chóe cả ngày trời cũng không giải quyết được việc gì

Chị T., ở TP.HCM


Lừa đảo mua, bán hàng qua mạng không buông tha bất cứ ai với đủ các loại hình thức. Trước đó, chị T. (TP.HCM) cho biết, cách đây một tuần, chị có thực hiện giao dịch mua bán hàng qua mạng với một chủ cửa hàng online trên Facebook chuyên bán thực phẩm sạch. “Tôi đặt 10 cân cam Cao Phong, 10 cân cá hồi Na Uy, salad, rau thơm... đơn hàng lên tới 7 triệu đồng. Chiều trước bữa tiệc, nhận thì rau héo, cá ươn. Tiền đã chuyển khoản rồi, hàng thì họ thuê xe ôm chở đến, gọi điện thì cãi nhau chí chóe cả ngày trời cũng không giải quyết được việc gì”, chị T. chia sẻ.
Đầu tháng 9.2016, cộng đồng mạng “dậy sóng” với clip 5 - 6 khách hàng sáng sớm đã “phi” xe từ Hà Nội xuống Quảng Ninh bắt tại trận chủ nhân của một gian hàng trên Facebook chuyên bán đồ quần áo thời trang. Sau một hồi quanh co, người này đã phải cúi đầu xin lỗi, thừa nhận việc nhận tiền, không trả hàng; trả hàng không đúng với cam kết. Đồng thời phải viết giấy cam kết trả lại toàn bộ số tiền đã lừa đảo của hàng loạt các khách hàng.
Vụ lừa đảo bán hàng qua mạng tại TP.HCM gây chấn động dư luận bị lực lượng công an triệt phá trước đó mới cho thấy rủi ro tiềm tàng từ lĩnh vực đầy mới mẻ này. Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an đã tỏa ra nhiều hướng ở TP.HCM thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với các đối tượng lừa đảo trên mạng. Hai đối tượng Nguyễn Văn Đô (21 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) và Trần Ngọc Tây (21 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) đã bị bắt khẩn cấp. Theo thông tin ban đầu, với thủ đoạn tinh vi, băng nhóm tội phạm công nghệ cao này lừa đảo nhiều nạn nhân trên cả nước bằng hình thức rao bán hàng trên mạng với giá rẻ. Những đối tượng này yêu cầu khách hàng trả trước tiền từ 50 - 70%, sau đó, chúng tạo ra các hóa đơn đã chuyển hàng để buộc nạn nhân giao hết số tiền còn lại. Chúng sử dụng CMND nhặt được hoặc mua được để mở tài khoản rồi yêu cầu nạn nhân chuyển vào, có tài khoản lên đến hàng tỉ đồng.
Mới đây nhất, ngày 21.10, Công an TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) bắt Trần Xuân Đông (20 tuổi, ở P.Đông Thọ, TP.Thanh Hóa) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, Đông sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook để đăng tải hình ảnh quần áo thời trang mẫu mã đẹp với giá rẻ hơn nhiều nơi. Người có nhu cầu mua hàng thường trao đổi, thỏa thuận giá rồi chuyển tiền vào tài khoản cho Đông. Khi nhận được tiền, nam thanh niên này cắt đứt liên lạc với khách. Với thủ đoạn trên, cuối năm 2015 đến khi bị bắt, Đông đã chiếm đoạt 400 triệu đồng của hơn 50 nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành.
Một hóa đơn của khách đã được chuyển tiền thành công, nhưng không nhận được hàng
Cần tố cáo ngay
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho biết hiện nay khi internet ngày càng phát triển thì nhu cầu sử dụng dịch vụ mạng để giao dịch thương mại điện tử cũng ngày càng trở nên phổ biến và tiện dụng hơn. Bên cạnh các tiện ích mà dịch vụ này mang lại cũng xuất hiện rất nhiều thủ đoạn lừa đảo, lợi dụng sự tín nhiệm của người mua hàng để chiếm đoạt tài sản. “Với số tiền lên đến hàng triệu đồng đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân phải lập tức làm đơn tố cáo gửi công an. Trong trường hợp đã chuyển tiền cần nhờ cả bên ngân hàng phối hợp tra soát và hủy giao dịch”, luật sư Đức nói.
Trước các vụ lừa đảo bán hàng qua mạng đang ngày càng gia tăng, C50 cũng đưa ra cảnh báo về một số hình thức lừa đảo phổ biến: các đối tượng thường yêu cầu đóng, đặt trước một khoản tiền để mua hàng công nghệ (điện thoại, máy tính...) giá rẻ. Đây là thủ đoạn lừa đảo đang có xu hướng phát triển và lan rộng. Các đối tượng lập các tài khoản trên các diễn đàn rao vặt, đăng thông tin có nội dung nhận đặt hàng gửi về từ nước ngoài, giá rẻ hơn nhiều so với hàng công ty; sau đó yêu cầu khách hàng có nhu cầu đóng trước một khoản tiền để đặt cọc và chờ ngày hàng về; khi số tiền đã đủ lớn thì xóa tài khoản, thông tin cá nhân và không thực hiện trả hàng như đã cam kết.
Từng là người nhiều năm mua bán hàng online, chị N.B.Đ.N (Hà Nội) cho biết, khách hàng nên hạn chế mua hàng ở các trang web có nguồn gốc không rõ ràng, không có uy tín. Đối với hàng hóa có giá trị cao cần hạn chế việc nhận và chuyển hàng qua các dịch vụ vận chuyển. Cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Nếu chẳng may bạn là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên cần thông tin cho các cơ quan chức năng và các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho tất cả mọi người.
Một thủ đoạn khác của tội phạm lừa qua mạng là đánh vào tâm lý của khách hàng, lập các trang bán hàng không rõ nguồn gốc, đăng bán các mặt hàng có giá ưu đãi so với các trang bán hàng uy tín khác, nhận tiền đặt hàng của người mua qua tài khoản sau đó lại chuyển hàng kém chất lượng hoặc không đúng như đơn hàng đã đặt cho người mua. Hay mua các sản phẩm có giá thành rẻ hoặc kém chất lượng từ nước ngoài, đem về VN tái chế, đóng mới để rao bán là hàng xách tay với giá cao.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: Các đối tượng thường yêu cầu chuyển tiền trước, xong rồi chặn Facebook, dùng sim rác, tài khoản được lập bằng CMND trôi nổi. Rất khó để xác định được danh tính và địa chỉ thật của các đối tượng này. Do đó, khi tham gia mua bán hàng trên mạng cần thận trọng, chỉ nên giao dịch với các cửa hàng, công ty có uy tín và đặc biệt không nên chuyển tiền trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.