Lãi suất vay cao đến từ biên độ
Anh H.A (TP.HCM) cảm thấy mừng vì ngân hàng giảm lãi suất huy động nên lãi vay sẽ giảm. Thế nhưng, anh "bật ngửa" khi ngân hàng báo lãi suất vay mới điều chỉnh từ 13,5%/năm lên 13,8%/năm. Bởi theo hợp đồng đã ký với ngân hàng, lãi vay sẽ được tính dựa theo lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng (loại 1) là 9,3 cộng với biên độ 4,5%. Trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn khác đều giảm thì lãi suất huy động 13 tháng vẫn ở mức cao, dẫn đến lãi vay không thể xuống.
Nhìn vào bảng lãi suất huy động của ngân hàng, chỉ có kỳ hạn huy động 13 tháng là tăng đột biến cho số tiền gởi lớn. Trong khi thực tế, với số tiền này không có bao nhiêu khách hàng gửi nhưng ngân hàng vẫn dùng làm cơ sở để tính lãi vay? Đó là một điểm "lách" để lãi vay của khách hàng cao hơn dù mặt bằng lãi suất huy động đã đi xuống.
Chị K.D (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa mới trả nợ hết khoản vay 10 tỉ đồng cũng vì phát hiện ra cách tính lãi vay quá cao. Ngân hàng tính lãi suất 13 tháng cộng với biên độ 5,5%. Có lúc lãi suất vay trong năm lên đến 17%/năm, có lúc 14%/năm khiến chị K.D hoảng hốt đi vay mượn tiền bà con trả cho ngân hàng cho rảnh nợ.
Theo chị K.D, những người kẹt tiền đi vay thường chỉ quan tâm đến việc có vay được không, thủ tục hồ sơ có đảm bảo vay hay không và chỉ để ý đến lãi suất vay hiện tại mà không hỏi đến lãi suất vay sau này thế nào. Và nếu hỏi sẽ nhận được câu trả lời "lãi vay tính theo dư nợ giảm dần".
Sơ sẩy của người đi vay khi đọc hợp đồng là không nhìn cách tính lãi suất vay như thế nào, biên độ cộng cao bao nhiêu. Đến khi dù có trả được một phần nợ gốc mà tiền trả cho ngân hàng không giảm, ngược lại tăng mạnh do tiền lãi tăng lên. Có thời điểm tiền lãi đóng cho ngân hàng cao hơn 40% so với lúc mới vay.
"Tôi cũng không thể nào chấp nhận được lời giải thích của nhân viên ngân hàng là lãi suất huy động tăng thì lãi vay tăng. Thời điểm ngân hàng cho gia đình tôi vay đầu năm 2020, ngân hàng huy động vốn với lãi suất chỉ tầm 7%/năm. 3 tháng ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay 1 lần mà lại lấy lãi suất huy động 12 tháng cộng với biên độ khá cao. Trong bảng lãi suất thì lãi suất huy động 12 tháng thường cao hơn 3 tháng rất nhiều. Lãi suất huy động giảm xuống nhưng ngân hàng giải thích lãi vay giảm phải có độ trễ là điều khó chấp nhận. Ngân hàng đẩy phần thiệt hại về cho khách", chị K.D cho hay.
Lưu ý khi vay
Một số ngân hàng hiện nay đang đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà, mua xe ô tô… lãi suất ưu đãi thời gian vay từ 6 - 12 tháng vào khoảng 7 - 9%/năm, những năm sau sẽ tính lãi thả nổi theo dư nợ giảm dần. Hiện có một số cách tính lãi suất vay, đó là lãi suất vay cố định, lãi suất thả nổi và lãi suất hỗn hợp. Lãi suất vay cố định trong suốt thời gian vay, hàng tháng khách hàng sẽ trả một khoản cố định. Còn lãi suất vay thả nổi sẽ được tính bởi chi phí vốn cộng với biên độ.
Lãi suất hỗn hợp là áp dụng cố định một mức lãi suất vay trong khoảng thời gian đầu (từ 6 - 36 tháng tùy theo ngân hàng), thời gian sau đó sẽ được thả nổi theo chi phí vốn cộng với biên độ. Đối với chi phí vốn, tùy ngân hàng sẽ ghi lãi suất huy động kỳ hạn (thường là 12 tháng hoặc 13 tháng) cộng với biên độ; hoặc lãi suất cơ sở được đưa ngân hàng đưa ra vào từng giai đoạn cộng với biên độ. Trong trường hợp ngân hàng chọn phương án 1, biên độ thường sẽ cao hơn phương án 2.
Đối với những khoản vay mua nhà có thời hạn vay dài từ 10 - 20 năm, các ngân hàng thường hay chọn phương án tính lãi suất hỗn hợp. Khách hàng cần lưu ý để có thể "trả giá" với ngân hàng khi thấy biên độ cao hay cách tính lãi vay không hợp lý ngay từ thời điểm làm thủ tục vay.
Ngoài lãi vay, khách vay cũng cần lưu ý đến mức phạt trả nợ trước hạn. Khi làm hồ sơ vay vốn, dựa trên mức thu nhập của khách hàng, ngân hàng sẽ đưa ra bảng tính trả lãi gốc và tiền lãi hàng tháng. Khoản trả này chiếm khoảng 50% thu nhập mà khách hàng chứng minh được để tránh áp lực trả nợ vay sau này, nhất là thời điểm lãi vay tăng. Tuy nhiên, có nhiều khách hàng trong năm có những khoản thu nhập đột xuất, dư ra một khoản có thể trả nợ trước hạn. Lúc này, khách sẽ bị phạt một khoản tiền tương đương 1 - 2% số tiền mang trả. Ví dụ, trả 50 triệu đồng thì có thể đóng tiền phạt trả nợ trước hạn 1 triệu đồng. Đó là mức phạt 2% khá phổ biến hiện nay, một số ngân hàng tính lên mức 3% thì tiền phạt còn cao hơn nữa. Mức phí phạt này giảm từ từ theo các năm và thường miễn phạt kể từ năm thứ 3 trở đi. Chính vì vậy, khách hàng vay cần lưu ý điểm này để tránh bực mình khi bị phạt trả nợ trước hạn.
Bình luận (0)