Tại Nam Định, dọc đường sắt có tới hàng trăm đường ngang dân sinh trái phép, khiến số người chết do tai nạn ngày một tăng.
Một vụ tàu bị lật do đâm phải xe container đỗ trên đường dân sinh tại H.Vụ Bản, năm 2014. - Ảnh:
Văn Đông
|
200 m lại có 1 “bẫy tử thần”
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Nam Định, trong 5 tháng đầu năm nay, tai nạn đường sắt (TNĐS) tại đây tăng đột biến, với 10 vụ, làm chết 10 người, bị thương 6 người. Đại tá Trần Văn Luân, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Nam Định cho biết, hầu hết các vụ TNĐS đều xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, trên 90% số vụ xảy ra tại các đường dân sinh tự mở.
“Mỗi đường dân sinh qua đường sắt như một chiếc “bẫy tử thần” hàng ngày rình rập tính mạng người dân”, ông Luân cảnh báo.
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, dọc hơn 41 km đường sắt qua địa bàn Nam Định, có rất nhiều điểm người dân dùng các tấm đan, lưới thép, gỗ ván, thậm chí bê tông được đổ để mở lối qua đường sắt. Tại P.Văn Miếu (TP.Nam Định), đầu thị trấn Gôi (H.Vụ Bản), người dân còn họp chợ cạnh đường sắt. Tại xã Yên Tiến, hầu hết các hộ giáp đường sắt đều mở hiệu buôn bán đồ gỗ, hàng mỹ nghệ, nhiều hộ dùng lòng đường sắt để phơi mây, tre, khiến các đoàn tàu đều phải kéo còi cảnh báo, dù tại đây không có hiệu lệnh yêu cầu kéo còi.
Theo Công ty đường sắt Hà Ninh (Công ty Hà Ninh), đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt qua tỉnh Nam Định, tỉnh này chỉ có 44 đường ngang hợp pháp có gác chắn hoặc có biển báo, đèn tín hiệu cảnh báo, nhưng có tới 276 đường dân sinh trái phép, nên cứ khoảng 200 m lại có một “bẫy tử thần”.
Do thiếu tiền?
Nhiều năm qua, Nam Định luôn có số vụ, số người chết vì TNĐS cao so với các tỉnh lân cận. Năm 2013, tỉnh này có 11 người chết, năm 2014 có 9 người chết, nhưng số đường dân sinh trái phép giảm không đáng kể, có lúc còn tăng.
Bà Nguyễn Thị Thu, trú tại Cát Đằng, xã Yên Tiến, H.Ý Yên, Nam Định, một cư dân sống cạnh đường sắt lo lắng: “Năm nào tại khu vực này cũng có người chết vì TNĐS, những nhà giáp đường sắt, nhất là các hộ có con nhỏ, lo ngay ngáy, không biết lúc nào tai họa đổ xuống đầu mình. Nhưng huyện, xã không làm đường gom thì chúng tôi phải mở đường mà đi”.
Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty Hà Ninh cho biết: “Theo quy định, các khu dân cư ven đường sắt phải dành quỹ đất để làm đường gom dẫn ra các đường ngang hợp pháp. Nhưng tại Nam Định, chỉ có xã Yên Ninh (H.Ý Yên) làm được vài km đường gom, nên người dân tự ý mở lối qua đường sắt là không thể tránh khỏi”.
Công ty Hà Ninh cũng đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh Nam Định về vấn đề này nhưng chưa có kết quả. Gần đây, UBND tỉnh Nam Định mới đưa vấn đề này ra bàn tại hội nghị về ATGT, nhưng các huyện, thị đều “không còn đất làm đường gom”.
Theo Công ty Hà Ninh, cách duy nhất để giảm TNĐS là dựng các hàng rào ngăn khu dân cư với đường sắt, mở thêm các đường ngang, từ đó xóa bỏ đường dân sinh trái phép. Tuy nhiên, phương án này cũng không triển khai được vì thiếu tiền.
Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Long, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, trước tình hình TNĐS gia tăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo xóa sổ 7 đường dân sinh trái phép ở khu vực có nguy cơ cao nhất là đoạn đường sắt thuộc xã Tân Thành, H.Vụ Bản. UBND tỉnh cũng đã triệu tập lãnh đạo các địa phương yêu cầu không được cấp đất ven đường sắt khi chưa có quy hoạch đường gom.
Về vấn đề đầu tư xây dựng hàng rào ngăn cách giữa nhà dân và đường sắt, ông Phong cho biết đã kiến nghị với Bộ GT-VT, do tỉnh chưa có kinh phí nên khi Bộ cấp nguồn kinh phí này, sẽ triển khai.
Bình luận (0)