|
Ngày 22.10, cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bất ngờ khám xét trụ sở và thẩm vấn các quan chức chỉ huy của CWC để tìm hiểu xem đơn vị này có dính líu vào chiến dịch vận động trên mạng trong cuộc bầu cử năm ngoái hay không. Đây là một phần cuộc điều tra nguồn gốc của hàng ngàn lời bình luận nặc danh được đưa trên mạng trước thềm bầu cử, với nội dung bôi nhọ ứng viên đảng Dân chủ đối lập Moon Jae-in và quảng bá cho ứng viên Park Geun-hye của đảng Saenuri cầm quyền, theo AFP. Bà Park đã đánh bại ông Moon và lên làm Tổng thống Hàn Quốc từ tháng 2.2013. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy 3 nhân viên và 1 sĩ quan CWC đã đăng tải những lời bình như thế lên blog và tài khoản Twitter của họ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định những cá nhân đó tự ý đưa ra lời bình, chứ không phải do cấp trên chỉ đạo, theo báo The Korea Herald.
“Tội phạm chưa có tiền lệ”
Những quan ngại về nguy cơ gian lận đã được phe đối lập nêu ra trước thềm cuộc bầu cử song cảnh sát kết luận không tìm thấy bằng chứng. Tuy nhiên, đến tháng 6.2013, giới công tố đã truy tố cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) Won Sei-hoon, người bị cáo buộc giám sát chiến dịch tuyên truyền rằng ông Moon có tư tưởng thân Triều Tiên. Ông Won và NIS lập luận những lời bình đó nằm trong chiến dịch tâm lý chiến chống Triều Tiên và không nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử. Theo AFP, các nghị sĩ đối lập vẫn chưa hài lòng với vụ bắt giữ ông Won và cho rằng vẫn còn một số quan chức cấp cao khác liên quan.
Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc còn bị cáo buộc tìm cách cản trở cuộc điều tra nói trên. Giới công tố cũng từng truy tố cựu Giám đốc Sở Cảnh sát Seoul Kim Yang-pan, cáo buộc ông bưng bít cuộc điều tra do cấp dưới tiến hành. Trong cuộc điều trần trước quốc hội ngày 22.10, công tố viên cấp cao Yun Seok-yeol cho biết ông từng chịu áp lực khi lãnh đạo cuộc điều tra về vụ bê bối của NIS. Khi được hỏi liệu Bộ trưởng Tư pháp Hwang Kyo-an có nằm trong số người gây áp lực hay không, ông trả lời: “Tôi nghĩ là có”. Ông Yun đã bị tước quyền lãnh đạo điều tra vào tuần trước sau khi bắt 3 nhân viên NIS vì nghi những người này tham gia chiến dịch bôi nhọ. Khi đó, ông Yun bị cáo buộc không làm đúng quy trình, nhưng ông cho rằng lý do thật sự nằm ở kết quả điều tra mà ông đạt được. “Cần phải điều tra thêm về vụ này. Chúng tôi thấy đó là một tội phạm chưa có tiền lệ và nghiêm trọng”, ông Yun tuyên bố trước quốc hội. Một nghị sĩ đối lập còn khẳng định: “Đó là sự can thiệp có hệ thống. Toàn bộ câu chuyện chưa được tiết lộ. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng”.
Tổng thống Park lên tiếng
Tổng thống Park đã cực lực bác bỏ sự liên quan của bà với vụ bê bối, theo AFP. Trong một cuộc họp với lãnh đạo phe đối lập mới đây, bà Park tỏ ra giận dữ và hỏi lại: “Các ông thật sự cho rằng tôi được bầu nhờ vào những lời bình trên mạng phải không?”. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Park vẫn còn cao và giới phân tích nhận định uy tín của bà sẽ được bảo toàn nếu thực sự không dính líu đến nỗ lực bưng bít điều tra, theo AFP. Tuy nhiên, Giáo sư Kang Won-taek tại Đại học Khoa học chính trị quốc gia Hàn Quốc, cảnh báo: “Dân chủ dựa trên bầu cử công bằng. Điều không nên xảy ra đã xảy ra. Nếu không được giải quyết một cách hợp lý, vấn đề này sẽ gây tổn hại cho bà Park và đảng cầm quyền, đặc biệt trong cuộc bầu cử địa phương vào năm tới”.
Trong khi đó, phe đối lập nói rõ rằng họ không yêu cầu tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống mà chỉ muốn bà Park lên tiếng xin lỗi và những quan chức có trách nhiệm trong vụ việc phải bị trừng phạt. Phe đối lập đang kêu gọi Giám đốc NIS hiện nay Nam Jae-joon và Bộ trưởng Tư pháp Hwang Kyo-An từ chức.
Văn Khoa
>> Kết quả bầu cử ở Campuchia: Đảng của ông Hun Sen chiến thắng
>> Công bố kết quả sơ bộ bầu cử Campuchia
>> Hàn Quốc xúc tiến lập trung tâm tác chiến mạng
>> Triều Tiên dọa bắn 'không thương tiếc' Hàn Quốc
>> Hàn Quốc, Mỹ thiết lập hệ thống chống khủng bố sinh học
Bình luận (0)