Chiều 29.12, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã có công văn gửi HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM, Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM và Sở TT-TT TP.HCM về việc tăng cường các hoạt động can thiệp và bảo vệ quyền trẻ em.
Theo đó, những ngày vừa qua, dư luận tại TP.HCM và cả nước nói chung bàng hoàng, đau xót trước hành vi bạo hành trẻ em, nghi làm cháu N.T.V.A (8 tuổi, ngụ P.22, Q.Bình Thạnh) tử vong.
UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tập trung nỗ lực giải quyết; đồng thời ngày 28.12, Công an Q.Bình Thạnh đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Nguyễn Võ Quỳnh Trang (vợ sắp cưới của ông N.K.T.Th - cha ruột cháu A.) về hành vi “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Người thân của cháu A. - bé gái 8 tuổi - nghi bị bạo hành và tử vong đến Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM nhờ trợ giúp pháp lý vào chiều 27.12 |
song mai |
Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã tiếp nhận đơn của bà N.T.H (mẹ ruột cháu A.) về việc tố cáo trực tiếp ông N.K.T.Th và bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang có hành vi bạo hành và dẫn đến cái chết của cháu A; đồng thời, đơn vị đã giao cho Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tiếp nhận và thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy trình.
Luật sư giải thích vụ bé gái 8 tuổi: “Công an vẫn có thể thay đổi tội danh” |
Để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em có thể phát sinh sau này, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp sớm hoàn tất quá trình điều tra để chuyển sang truy tố và xét xử nghiêm minh trong thời gian nhanh nhất có thể.
Trong đó, ngoài vai trò trực tiếp của bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang, cần tiếp tục làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm của ông N.K.T.Th (cha ruột của cháu A.) để từ đó xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, việc xét xử cần công khai diễn biến và kết quả cụ thể trong khả năng có thể và luật pháp cho phép để người dân của TP.HCM và cả nước được biết qua đó nhằm truyền thông mang tính răn đe, làm bài học cho các đối tượng đã và đang có hành vi bạo hành, xâm hại, ngược đãi trẻ em.
Phía cơ quan bảo vệ trẻ em cần tăng cường các hình thức truyền thông (cả trực tiếp và gián tiếp), trong đó chú trọng truyền thông nhóm nhỏ tại cơ sở, cộng đồng dân cư, các nhóm gia đình cụ thể; phối hợp báo đài, thông qua các nền tảng mạng xã hội mở chuyên mục tọa đàm hay diễn đàn, qua đó nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em cho người dân, để mọi người ý thức được đâu là hành vi vi phạm quyền trẻ em, nếu vi phạm thì hành vi đó sẽ bị xử lý thế nào.
Người dân cần mạnh dạn tố cáo khi phát hiện vụ việc với cơ quan chức năng như: Công an, cán bộ trẻ em, cơ quan LĐ-TB-XH các cấp, Trung tâm Công tác xã hội, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em - 111, hoặc các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương như đoàn thanh niên, hội phụ nữ...
Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho rằng, gia đình phải là nơi bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, cha mẹ có thể ly hôn, không sống được với nhau, các cháu có thể không có được một gia đình hoàn thiện nhưng tất cả các quyết định của người lớn phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất tác động và ảnh hưởng đến trẻ em. Sự vô trách nhiệm của gia đình đối với trẻ em trong nhiều tình huống chính là tội ác. Phía đơn vị sẽ tập trung nỗ lực và phối họp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức có liên quan tiếp tục triển khai nhiều mô hình, chương trình, dự án có liên quan nhằm bảo vệ trẻ em, giúp hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ có thể xảy ra đối với các em trong tương lai.
Bình luận (0)