Bẻ khóa vào nhà dân bắt gà tiêu hủy
30/07/2017 07:00 GMT+7
Những ngày qua, trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip về việc đoàn kiểm tra của UBND P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM) bẻ khóa vào nhà dân bắt và tiêu hủy 9 con gà Đông Tảo.
Tự động phát
Theo clip, ngày 26.7.2017, đoàn kiểm tra của UBND P.15, Q.Tân Bình gồm cán bộ phường, công an phường và tổ dân phố đến nhà anh Đào Tuấn Anh (ngụ đường Phan Huy Ích, P.15, Q.Tân Bình) để kiểm tra việc anh nuôi gà Đông Tảo. Lúc này, Tuấn Anh không có ở nhà (cửa cổng khóa bên ngoài, bên trong có người thân của Tuấn Anh - PV). Đoàn kiểm tra đã cắt khóa để vào bắt gà.
Theo nội dung đoạn clip, cán bộ phường khi vào sân gặp phải sự phản ứng của người trong nhà: “Mấy anh đến mà không có giấy hẹn, không có chủ nhà ở đây, mấy anh tự động cắt khóa là sai rồi”. Một người trong đoàn nói: “Thực hiện Chỉ thị 02/2015 của UBND TP, trường hợp nuôi nhốt gia cầm trái phép, không kiểm dịch nên UBND phường đến kiểm tra”. Sau đó người nhà dẫn đoàn kiểm tra ra phía sau để bắt 9 con gà.
Anh Tuấn Anh cho biết đoàn kiểm tra đến bắt gà nhà anh nhưng không hẹn trước, tại thời điểm bắt gà anh cũng không có ở nhà mà đoàn kiểm tra bẻ khóa cổng và mang đi 9 con gà Đông Tảo trị giá khoảng 10 triệu đồng khiến anh bức xúc.
Ông Lâm Việt Thảo, Chủ tịch UBND P.15, cho rằng đoàn kiểm tra thực hiện theo Chỉ thị 02/2015 của UBND TP; còn việc người trong đoàn bẻ khóa cổng là do có người ở nhà nhưng không chấp hành việc kiểm tra.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, hiện có quy định cấm người dân nuôi gà ở nội thành theo văn bản của Bộ NN-PTNT. Cụ thể là không được nuôi ở nội thành, nội thị, chỉ nuôi theo quy hoạch của địa phương. Ngoài ra, UBND TP cũng có Chỉ thị 02/2015 về trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý người dân nuôi gia súc, gia cầm.
Cưỡng chế khám nhà phải có quyết định của Chủ tịch quận
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu cho rằng người dân nuôi gia súc, gia cầm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, hoặc có dấu hiệu của dịch bệnh thì các cán bộ phải làm việc, giải thích rõ các nguy cơ và vận động người dân tự nguyện tiêu hủy. Khi người dân không chấp hành thì mới có biện pháp cưỡng chế. Khi cưỡng chế khám nhà theo thủ tục hành chính phải có quyết định của chủ tịch UBND quận trở lên. Trường hợp không có quyết định mà bẻ khóa vào nhà người dân thì cán bộ phường đã có hành vi xâm phạm chỗ ở.
“Khi có quyết định tiêu hủy gia súc, gia cầm của người dân, chính quyền phải chứng minh được người dân nuôi với mục đích gì, nuôi chơi, kinh doanh và quy mô tới đâu, có nguy cơ xảy ra dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm hay có vi phạm gì dẫn đến buộc tiêu hủy (biện pháp khắc phục hậu quả) theo Nghị định 119/2013 của Chính phủ”, luật sư Hoan nói.
Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao) cho biết, khi chưa có chỉ thị nào khác thay thế Chỉ thị 02/2015 của UBND TP về đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM thì Chỉ thị 02 vẫn có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Chỉ thị 02 không có nội dung nào thể hiện cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thành thị mà chỉ nêu đẩy mạnh biện pháp phòng, chống dịch bệnh. “Cần làm rõ hộ gia đình bị bắt gà đi tiêu hủy vi phạm về phòng, chống dịch bệnh hay chăn nuôi gia cầm, gia súc hay không; đồng thời làm rõ thủ tục hành chính các cơ quan thẩm quyền tham gia xử phạt và cưỡng chế xử phạt có đúng quy định pháp luật”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chiều qua, theo tìm hiểu của Thanh Niên, 9 con gà nói trên đã bị tiêu hủy.
Sáng 29.7, chúng tôi đã liên hệ ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình, để hỏi về câu chuyện này nhằm giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc. Ông La trả lời: “Tôi sẽ xác minh lại và trả lời bằng văn bản”.
|
Bình luận (0)