Bé trai 13 tuổi đạp xe 200 km thăm bạn gái: Khi 'hội phụ huynh' lên tiếng

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
08/05/2022 15:28 GMT+7

Câu chuyện bé trai 13 tuổi ở TP.HCM trốn gia đình đạp xe 200 km về Cần Thơ để thăm bạn gái quen qua mạng khiến phụ huynh vừa thấy buồn cười vừa thấy thương và không khỏi giật mình tự hỏi: Sẽ ra sao nếu đó là con mình?

Ngày 7.5 vừa qua, công an xã Trường Long, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ đã phát hiện bé trai T.M.T. (13 tuổi) mặc áo học sinh, đi xe đạp, đeo balo có biểu hiện mệt mỏi nên dừng xe kiểm tra. Sau khi thăm hỏi, T. kể mình đã trốn gia đình, đạp xe 200 km từ nhà tại P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM để đi thăm bạn gái tên V. quen qua mạng xã hội ở xã Trường Long, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ.

Tuổi "thích gì làm nấy"

Có con đang ở độ tuổi mới lớn, chị Nguyễn Phương Quỳnh, ngụ hẻm 86 Nguyễn Văn Săng, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết đọc xong câu chuyện bé trai 13 tuổi đạp xe 200 km thăm bạn gái, đã không khỏi bật cười vì sự táo bạo của cậu bé. "Nhưng nghĩ đến cảnh cậu bé người thì nhỏ thó, đạp xe suốt mấy trăm km bất kể nắng mưa, đêm ngày, lại chỉ có 500.000 đồng trong túi, biết bao hiểm nguy rình rập trên đường đi, tôi lại thấy thương vô cùng", chị Quỳnh bày tỏ.

Bé T.M.T đạp xe từ TP.HCM tới Cần Thơ với 500.000 đồng trong túi

công an cung cấp

"Con trai 14 tuổi của tôi tuy chưa trốn ba mẹ đi đâu nhưng cũng từng nằng nặc đòi tôi đồng ý cho con được quen bạn gái ở lớp dưới. Tôi thấy con dành hơi nhiều thời gian cho việc chat chit mà tôi đoán là với bạn gái kia. Đây là lứa tuổi nổi loạn, nghĩ gì làm đấy, muốn gì là phải thực hiện bằng được, nên càng cấm đoán càng phản tác dụng. Có lẽ cậu bé lo sợ cha mẹ sẽ ngăn cản nên đã quyết định trốn đi mà không hề lường trước được bất trắc có thể xảy ra", chị Quỳnh nhận định.

Theo chị Quỳnh, khi con chị đòi quen bạn gái, chị đã không ngăn cản mà nhỏ nhẹ phân tích những được mất khi đang còn là học sinh mà có tình cảm yêu đương, rồi định hướng để con lựa chọn. "Vì tôi hiểu tình cảm ở tuổi này chỉ là nhất thời nên không căng thẳng gì cả. Đúng là sau một thời gian, con trai tôi không còn 'sống chết' đòi yêu đương nữa", chị Quỳnh cho biết.

Trong khi đó, anh Ngô Hữu Tới, có con học lớp 7 Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú, TP.HCM, lại hài hước: "Con trai tôi đến nay còn chưa biết đi xe đạp, đừng nói là đạp xe đi thăm bạn gái. Nhưng từ câu chuyện trên, tôi nghĩ từ bây giờ tôi phải để mắt tới con nhiều hơn. Nhất là việc con lên mạng xã hội làm quen với người này người kia. Trên đó có nhiều thứ quá nguy hiểm với lứa tuổi còn chưa đủ nhận thức, suy nghĩ non nớt nhưng lại thừa sự nổi loạn, táo bạo. Lỡ đâu người ta giả danh rồi dụ dỗ con mình đi làm chuyện xấu thì sao?".

Cha mẹ cần dạy con cách nhận biết hậu quả từ mỗi hành động

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Tình, chuyên gia tư vấn tâm lý (Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Ước Mơ Xanh), nhìn nhận: "Nhìn ở góc độ tâm lý, hành động trốn nhà đạp xe tới 200 km để thăm bạn gái, cho thấy phụ huynh đã không dạy cho cậu bé cách kiềm chế nhu cầu, kiềm chế cảm xúc từ nhỏ. Chẳng hạn lúc nhỏ, con muốn gì là được nấy, thích gì là làm, đòi hỏi là được đáp ứng mà không được phân tích đúng sai. Dần dần sẽ hình thành nên tính cách không biết kiềm chế nhu cầu và cảm xúc. Vì thế cậu bé đã hành động mà không cần nghĩ là nên hay không nên, phù hợp hay không phù hợp, đúng hay sai".

Bà Tình còn đưa ra một nguyên nhân nữa là phụ huynh đã thiếu quan tâm tới đời sống tinh thần của con, không nắm được con đang tham gia mạng xã hội như thế nào, bạn bè của con là ai, con đang có suy nghĩ, tình cảm gì... "Cũng có thể ba mẹ biết chuyện nhưng ngăn cản mà không phân tích, định hướng, con sợ bị cấm đoán nên trốn đi. Dù là nguyên nhân nào thì đó cũng là hậu quả của việc ba mẹ chưa thực sự làm bạn với con, thấu hiểu con để có cách dạy con phù hợp", bà Tình cho hay.

Lời khuyên của chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Tình sau câu chuyện bé trai 13 tuổi đạp xe 200 km đi thăm bạn gái, là khi con bước vào độ tuổi mới lớn, lại hàng ngày tiếp xúc với mạng xã hội, cha mẹ nhất định phải lưu tâm, giám sát, quản lý. Nhưng không phải là bằng nội quy khắt khe, áp đặt mà phải bằng sự chia sẻ, thấu hiểu, yêu thương. "Cha mẹ phải thường xuyên trò chuyện, gợi mở cho con tâm sự để biết con đang nghĩ gì, làm gì, mong muốn gì, từ đó có những định hướng, điều chỉnh. Nếu không, có thể hậu quả sẽ rất khó lường", bà Tình chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.