Trung Tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, hôm 23.8 tiếp nhận bé trai Nguyễn Hải Đ. (7 tuổi, trú tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) vào cấp cứu trong trạng thái tâm lý hoảng sợ, với nhiều vết chó cắn ở vùng bắp đùi cả hai chân.
Gia đình cháu Đ. cho biết, cháu sang hàng xóm chơi, bị chó nuôi thả rông lao ra tấn công. Nghe tiếng la hét của cháu Đ., hàng xóm và gia đình lập tức đưa cháu đến trạm y tế gần đó để sơ cứu, sau đó chuyển thẳng cháu tới bệnh viện.
Chó tấn công cháu Đ. là giống chó lai rất dữ tợn, nặng gần 30 kg.Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó được chủ nhà thả rông (không xích, không rọ mõm).
Bác sĩ Nguyễn Đức Lân, Trưởng Khoa ngoại nhi tổng hợp, Trung Tâm Sản Nhi, người trực tiếp xử lý cắt lọc và khâu vết thương cho bé Đ, cho biết bệnh nhi bị vết thương bắp chân trái sâu 10 x 10 cm, lộ gân cơ cẳng chân trái. Cả 2 chân có tới gần 30 vết thương, trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương gối phải (dài 5 cm), các vết thương còn lại dài khoảng 2-3 cm.
Bệnh nhi Đ. nhanh chóng được xử trí, rửa vết thương thay băng, để vết thương hở, tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng chó dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng. Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, các bác sĩ đã khâu gần 70 mũi cho cháu bé.
Tai họa từ câu cửa miệng “chó không cắn đâu”
Theo thống kê tại Trung tâm Sản Nhi, từ đầu hè tới nay, trung tâm này đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Một số trường hợp chỉ bị xước nhẹ, nhưng cũng có trường hợp phải khâu, như bé Đ.
|
Các bác sĩ cho biết, theo các gia đình thuật lại, hầu hết các trường hợp bị chó cắn thường là do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và từ phía trẻ. Câu cửa miệng của các gia đình nuôi chó thường là “cứ vào đi, chó không cắn đâu”, hoặc “chó nhà hiền lắm”, và sau đó lại xảy ra tai nạn đáng tiếc. Trẻ em thường thích chơi đùa với vật nuôi là chó, mèo và nhiều khi không thể kiểm soát hết được hành động nên có thể là thành đối tượng bị vật nuôi tấn công.
Bác sĩ Lân khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nhà có trẻ con thì không nên nuôi giống chó to và dữ. Khi nuôi chó, người dân phải tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, xích, ra đường phải rọ mõm;
Đồng thời, cha mẹ cũng nên lưu ý khi cho con tiếp xúc với chó, mèo, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nếu không may trường hợp xấu xảy ra thì phải nhan chóng làm sạch vết thương, rồi đưa đến trung tâm y tế gần nhất.
“Hiện nay, nhiều gia đình vẫn có thói quen và sở thích nuôi chó để giữ nhà, làm thú cưng. Tuy nhiên, việc chủ nhà có tâm lý chủ quan vì nghĩ chó nhà hiền, không cắn người và quản lý chưa sát sao, đã gây ra nhiều tai họa cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ”, bác sĩ Lân lo ngại.
Bình luận (0)