Khai thác bệnh sử được biết bé bệnh 4 ngày, 3 ngày đầu sốt 39 độ C liên tục, nôn ói sau ăn, ho từng cơn. Đi khám ngoại trú được cho một số thuốc hỗ trợ, thuốc hạ sốt về uống. Ngày thứ 4 bé còn sốt, tiêu vàng lỏng hơn 20 lần, không nhầy máu, còn sốt, còn ói sau ăn, ăn uống kém, mệt nên nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Ngày 5.4, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tại bệnh viện ghi nhận trẻ lừ đừ, mắt trũng, môi khô, tái, dấu véo da mất rất chậm, da khô. Bé được chẩn đoán tiêu chảy cấp mất nước nặng, viêm ruột, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng. Xét nghiệm có tình trạng nhiễm trùng nặng, bạch cầu tăng cao và toan hóa máu nặng. Bé được xử trí truyền dịch chống sốc theo phác đồ, sử dụng thuốc vận mạch dưới hướng dẫn đo huyết áp động mạch xâm lấn, hỗ trợ hô hấp, kháng sinh phổ rộng, điều chỉnh toan chuyển hóa, rối loạn điện giải...
Tuy nhiên, tình trạng bé tiếp tục diễn tiến nặng, bụng chướng căng, siêu âm bụng tình trạng tắc ruột, X-quang bụng phát hiện giãn tròn các quai ruột non, thành dày, mực nước hơi, hơi tự do không rõ.
Trẻ được hội chẩn, ê kíp ngoại khoa phẫu thuật đưa toàn bộ ruột ra ngoài. Qua kiểm tra, bác sĩ thấy cách van hồi manh tràng 30 cm có 1 đoạn hồi tràng 40 cm viêm dính nhiều gập góc, có ít giả mạc bám lên, cách góc hồi manh tràng 40 cm, có lỗ thủng ở bờ tự do kích thước 8 mm, bờ lỗ thủng viêm dày. Ê kíp tiến hành xén mép lỗ thủng gửi giải phẫu bệnh, khâu lại lỗ thủng hỗng tràng; rửa bụng từng vùng đến khi nước trong, đặt ống dẫn lưu. Sau mổ trẻ được chuyển khoa hồi sức ngoại tiếp tục điều trị.
Kết quả sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng bé cải thiện dần, tỉnh táo, bụng xẹp, đánh hơi được, rút được ống dẫn lưu, bé có thể ăn sữa được qua đường miệng. Bác sĩ Tiến cho biết, đây là trường hợp viêm ruột gây biến chứng tắc ruột, thủng ruột hiếm gặp.
Bình luận (0)