Bên trong 'cổng địa ngục' ở Turkmenistan

06/02/2022 12:00 GMT+7

"Cổng địa ngục" ở Turkmenistan luôn rực cháy vì trữ lượng khí mêtan khổng lồ bên dưới bề mặt và các nhà khoa học không rõ số khí này sẽ mất bao lâu để cháy hết.

"Cổng địa ngục" giữa sa mạc Karakum ở Turkmenistan

CHỤP MÀN HÌNH INDEPENDENT

Một chiếc hố đỏ rực lửa giữa sa mạc Karakum là hình ảnh quen thuộc với người dân làng Darvaza ở Turkmenistan trong hơn 50 năm qua. Có tên gọi chính thức là “Ánh sáng của Karakum”, chiếc hố rộng 70 m và sâu 20 m này cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan khoảng 270 km. Dù là một địa điểm du lịch nổi tiếng, dòng khí mêtan liên tục thoát ra từ hố đã ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật hoang dã và cư dân địa phương.

Nguồn gốc cổng địa ngục

Chiếc hố này còn được nhiều người biết đến với tên gọi “cổng địa ngục”. Ở sa mạc Karakum, ánh sáng rực rỡ từ những ngọn lửa chưa bao giờ tắt trong chiếc hố này có thể được nhìn thấy từ cách đó nhiều km.

Chiếc “cổng địa ngục” này vô tình được tạo ra khi Chiến tranh Lạnh đang bùng phát. Các nhà địa chất tin rằng khu vực này có nhiều dầu mỏ và quyết định khoan xuống đất. Họ không biết rằng bên dưới lớp đất mỏng mà họ sẽ khoan vào năm 1971 là một túi khí tự nhiên khổng lồ.

Khi bắt đầu khoan, lớp đất mỏng không thể chịu được sức nặng của các máy móc Liên Xô nặng nề. Đất nhanh chóng sụp xuống và tạo thành một chiếc hố khổng lồ nuốt chửng các thiết bị. Tuy vậy, các nhà địa chất nhanh chóng nhận ra rằng họ phải giải quyết vấn đề lớn hơn.

Kỳ lạ 'hố lửa địa ngục' cháy suốt 50 năm, Tổng thống Turkmenistan ban lệnh dập tắt

Chiếc hố không những vùi lấp các thiết bị khoan mà còn rò rỉ khí đốt tự nhiên. Dù chủ yếu là khí mêtan không độc hại, loại khí này có thể gây khó thở. Không lâu sau vụ tai nạn, động vật hoang dã lang thang trên sa mạc Karakum bắt đầu chết dần, theo trang All That's Interesting.

Bên cạnh đó, khí mêtan rất dễ cháy. Chỉ cần 5% mêtan trong không khí là đủ để gây ra một vụ nổ lớn. Với lượng khí lớn thoát ra từ “cổng địa ngục”, khu vực này có nguy cơ xảy ra thảm họa nghiêm trọng. Do đó, các chuyên gia quyết định đốt bỏ số khí này.

Đây là một phương pháp thường được sử dụng trong ngành công nghiệp khai thác dầu. Tuy vậy, các nhà địa chất ở Karakum không biết túi khí bên dưới có trữ lượng bao nhiêu và dự đoán lửa chỉ cháy trong vài tuần. Họ không biết hành động này đã tạo thành chiếc hố đỏ lửa trong hơn nửa thế kỷ qua.

Biến “cổng địa ngục” thành điểm du lịch

Năm 2010, Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov của Turkmenistan ra lệnh cho các nhà địa chất và cơ quan hữu quan tìm cách dập tắt ngọn lửa. Là lãnh đạo của một trong những quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên cao nhất thế giới, ông Berdymukhamedov lo ngại rằng ngọn lửa vĩnh cửu sẽ cản trở việc khoan các mỏ khí đốt khác, làm ảnh hưởng thu nhập của Turkmenistan.

Tuy vậy, các nhà địa chất không thể tìm ra cách dập tắt ngọn lửa. Chiếc hố kể từ đó trở thành một điểm thu hút khách du lịch với một khu cắm trại gần miệng hố.

Chiếc hố lửa này là một điểm thu hút khách du lịch ở Turkmenistan

afp

Người dân địa phương cũng rất thích thú khi xem các bầy nhện phóng mình xuống hố. Vào năm 2013, nhà thám hiểm người Canada George Kourounis đã mang thiết bị chống nhiệt và leo xuống “cổng địa ngục”.

Dù chiếc hố mang đến khách du lịch, ngành công nghiệp này có vai trò rất nhỏ đối với Turkmenistan. Để vào Turkmenistan, du khách cần có thị thực đặc biệt do công ty du lịch xin cấp.

Giờ đây, với ngày càng nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của cả con người và động vật, tổng thống Turkmenistan đang thực hiện những nỗ lực mới để dập lửa.

Đóng cổng địa ngục

Tổng thống Berdymukhamedov, lần đầu nắm quyền vào năm 2006, đã dành 15 năm qua để xây dựng các tòa nhà chính phủ khổng lồ, tượng đài và một sân bay mới ở thủ đô Ashgabat. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Turkmenistan trước đại dịch Covid-19 chỉ đạt mức vài chục ngàn mỗi năm. Người dân địa phương cũng luôn muốn đóng “cổng địa ngục”.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 8.1, ông Berdymukhamedov nói mình đã ra lệnh cho các chuyên gia một lần nữa “tìm ra giải pháp để dập tắt ngọn lửa”. Tổng thống Turkmenistan cũng nói ông không loại trừ sự tham gia của quốc tế và hoan nghênh các chuyên gia tư vấn nước ngoài giúp đỡ thực hiện việc này.

Ông Berdymukhamedov tuyên bố hố lửa này "ảnh hưởng tiêu cực đến cả môi trường và sức khỏe của người dân sống gần đó. Turkmenistan cũng đang đánh mất các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà chúng ta có thể thu lợi và dùng chúng để cải thiện cuộc sống của người dân”.

Lính Nga bắn pháo chống tăng vào mỏ khí đốt để dập lửa

Hiện chính phủ Turkmenistan vẫn chưa đưa kế hoạch dập tắt ngọn lửa ở Darvaza. Và nếu vẫn không có giải pháp nào được đưa ra, ngọn lửa này sẽ tiếp tục cháy cho đến khi hết khí mêtan bên dưới, khoảng thời gian mà các nhà khoa học không thể kết luận chính xác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.