Bệnh dại có thể phòng chống bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại

Liên Châu
Liên Châu
06/10/2024 08:07 GMT+7

Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.

"Chung tay phá vỡ rào cản, phòng chống bệnh dại" là chủ đề của ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm nay (28.9). Chủ đề nhằm kêu gọi tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại, nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh dại gây ra và giảm thiểu người bị tai nạn do động vật cắn, đồng thời hướng tới mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh dại vào năm 2030. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng vắc xin.

Bệnh dại có thể phòng chống bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại- Ảnh 1.

Tiêm vắc xin dại cho vật nuôi là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại

Ảnh: BẢO THƯ

Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 50% số người bị tử vong do bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021; và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030.

Tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm phòng dại còn thấp

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật. Tại VN, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật và liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Bệnh dại trên người có thể phòng chống và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại. Bệnh dại được đưa vào lộ trình kiểm soát toàn cầu các bệnh nhiệt đới bị lãng quên giai đoạn 2021 - 2030 của WHO. Năm 2015, WHO đã kêu gọi hành động bằng cách đặt mục tiêu không có trường hợp tử vong do bệnh dại gây ra ở người từ năm 2030 trên toàn thế giới.

Tại VN, Bộ Y tế cho biết vừa qua xuất hiện các trường hợp mắc bệnh dại có thời gian ủ bệnh ngắn từ 10 - 15 ngày, trong đó có các trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng. Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin phòng dại còn thấp.

Các biện pháp phòng chống bệnh dại

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: tiêm vắc xin phòng dại bắt buộc cho chó, mèo; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn; dạy trẻ không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người lớn cần quan tâm, quan sát khi đưa trẻ ra ngoài.

Khi không may bị chó, mèo cắn, cào, liếm, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần thực hiện 3 bước cơ bản: 1/ rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch ít nhất 15 phút; 2/ sát khuẩn bằng cồn i ốt hoặc cồn 70 độ để giảm thiểu vi rút tại nơi xâm nhập; 3/ sau khi xử lý vết thương cần khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí và tiêm phòng kịp thời.

Đặc biệt lưu ý, khi sơ cứu vết thương do chó, mèo cắn, không nặn hoặc bóp vết thương cho máu chảy, không làm tổn thương rộng hơn hoặc làm dập nát vết thương, không băng kín vết thương, tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị tại nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.