>> Thực phẩm gây bệnh gút
>> Ngừa bệnh gút
>> Cảnh báo cho người bệnh gút
>> Giảm nhẹ cơn đau do bệnh gút
>> Lá ổi có chữa được bệnh gút?
Lâu nay, người ta thường cho rằng bệnh gút là “bệnh của nhà giàu”, chỉ xuất hiện ở những người sau tuổi 30. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh này đang tấn công giới trẻ từ nông thôn đến thành thị.
|
Xu hướng trẻ hóa
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh (TPHCM) tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân trẻ trong tình trạng nhiều nơi trên cơ thể bốc mùi hôi thối và có dòi do biến chứng hiếm gặp của bệnh gút. Ngoài biểu hiện sốt cao, trụy mạch, suy thận cấp, bệnh nhân còn mang khối u trên trán bị hoại tử nghiêm trọng. Khuỷu tay, khuỷu chân cũng bị lở loét, nhiễm trùng, gây hạn chế vận động. Theo các bác sĩ, đây là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa đạm của bệnh gút rất hiếm gặp.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Xuân T., 22 tuổi, sinh viên học trọ ở quận Bình Thạnh - TPHCM. Đang là một thanh niên khỏe mạnh bỗng nhiên đầu gối, mắt cá chân của T. bị sưng tấy kèm theo những cơn đau dữ dội và không thể tự đi được. Đến bệnh viện thăm khám, T. được các bác sĩ xác định do nồng độ axít uric trong máu quá cao, biểu hiện mắc bệnh gút.
Thống kê tại các Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), Viện Gút, Nhân dân 115, Trưng Vương... cho thấy số người mắc bệnh gút đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi năm tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân mắc bệnh gút nhập viện điều trị, trong khi những năm 1990 chỉ có 10 bệnh nhân mỗi năm. Theo TS-BS Lê Anh Thư, Trưởng Khoa Nội cơ - Xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, số người mắc bệnh gút đang tăng nhanh tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
BS Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Viện Gút TPHCM, cho biết bệnh nhân gút đang có xu hướng trẻ hóa. Trong hơn 20.000 bệnh nhân gút đến khám, điều trị tại viện này vài năm trở lại đây, có đến 38% bệnh nhân ở lứa tuổi dưới 40, 75% bệnh nhân trong số đó vẫn còn đang ở độ tuổi lao động (18-55 tuổi) và hơn 60% bệnh nhân đã chuyển thành gút mãn tính kèm suy giảm chức năng gan, suy thận, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Đáng lưu ý, bệnh nhân đa phần là nam giới, chiếm đến 96%. Tại phòng khám của viện này trong những ngày qua, nhiều bệnh nhân đến thăm khám có tuổi đời chỉ mới 16-20.
Hậu quả nặng nề
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh gút được xác định là do nồng độ axít uric trong máu cao. Số người mắc bệnh gút tăng là do ngày nay việc sử dụng rượu, bia tăng; sử dụng nhiều thức ăn giàu purin (có trong nội tạng động vật, hải sản và những thức ăn nhiều đạm). Khi bị bệnh mãn tính, chất lượng sống của bệnh nhân gút bị giảm sút nghiêm trọng.
BS Nguyễn Thị Hồng Thu cho biết với bệnh nhân gút, hầu hết các khớp biến dạng, vận động rất khó khăn, các khớp đau nhiều vì viêm cấp, chi phí điều trị rất tốn kém. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ về nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành tăng lên ở những người mắc bệnh gút gấp nhiều lần so với người không mắc bệnh. Biến chứng nguy hiểm và nặng nề nhất của bệnh gút là suy thận, khiến bệnh nhân có thể bị mất sức lao động do bị thoái hóa các khớp dẫn đến tàn phế.
GS-BS Hoàng Khải Lập, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bệnh gút (trực thuộc Viện Gút), cho rằng bệnh gút mãn tính một phần do bệnh diễn tiến âm thầm, phần khác là bệnh nhân tự điều trị, tự dùng thuốc không có chỉ định và bỏ cuộc điều trị giữa chừng. Nhiều trường hợp không kiểm soát được chế độ dinh dưỡng và đáng báo động là việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc.
Việc phòng ngừa bệnh gút do ý thức bản thân. Những người có axít uric máu cao nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều purin, các loại thịt, hải sản, thực phẩm giàu đạm, tránh lạm dụng bia, rượu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thực phẩm giàu đạm là thủ phạm làm tăng số lần phát bệnh tức thời cao gấp 5 lần ở những người đang bị gút hành hạ.
Hai cách điều trị Theo PGS-TS Phan Văn Các, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bệnh gút, hiện nay có 2 phương pháp điều trị bệnh này là tây y và kết hợp đông y - tây y. Về tây y, sử dụng những loại thuốc giảm đau, chống viêm và sử dụng thuốc ức chế sản xuất axít uric. Về đông y, sử dụng những biện pháp điều trị toàn diện hơn để chống những suy giảm các chức năng của gan, thận. Những biện pháp đó sẽ giúp hồi phục các chức năng của gan và thận. Sự kết hợp giữa đông y - tây y trong điều trị là phương pháp mới điều trị hiện nay. Trong đó, chỉ sử dụng tối thiểu lượng thuốc tây trong giảm đau, chống viêm; vận dụng tối đa năng lực của thuốc nam (đông y) để cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua hoạt động của gan và thận. |
Theo Nguyễn Thạnh/ Người Lao Động
Bình luận (0)