GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết tại hội thảo, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm ứng phó với những thách thức trong cải thiện môi trường thực phẩm; cùng hoàn thiện các đề xuất nghiên cứu đa quốc gia nhằm cải thiện môi trường thực phẩm.
tin liên quan
Phải làm gì để cứu người nhà bị đột quỵ?Theo thông tin tại hội thảo, năm 2015 bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 15 triệu trường hợp tử vong tại các quốc gia đang phát triển, tăng gần 3,8 triệu so với năm 2000. Bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống đang gia tăng ở nhóm trẻ tuổi hơn, gây ra gánh nặng kinh tế lâu dài và tác động gián tiếp khi nguồn năng lực bị suy giảm bởi gánh nặng của bệnh không lây nhiễm.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết tại VN, cứ 5 người trưởng thành có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong nhóm tuổi từ 18 - 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%. Bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cứ 10 người chết có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường...).
Theo số liệu thống kê năm 2012, trong 520.000 trường hợp tử vong thì nguyên nhân do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% và tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi chiếm 43%.
Trong khi đó, 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, tiểu đường thể 2 và 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh...
Các cuộc điều tra dinh dưỡng những năm gần đây cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng nhanh. Tại TP.HCM, chỉ trong 7 năm (từ 2002 - 2009), tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh tiểu học đã tăng gấp 3 - 4 lần. Theo kết quả điều tra năm 2013 trên 2.375 trẻ ở độ tuổi từ 4 - 9 tại một số trường mẫu giáo và trường tiểu học thuộc quận nội thành Hà Nội về tình trạng thừa cân, béo phì cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ là 39,9% (tỷ lệ thừa cân là 21,9% và tỷ lệ béo phì là 18,0%).
Nghiên cứu cũng đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu, chế độ ăn và hoạt động thể lực trên 150 trẻ thừa cân, béo phì, trong đó tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có tăng cholesterol là 15,3%; tăng triglyceride là 30,7%; tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có hoạt động tĩnh tại trên 120 phút/ngày là 82,7% và tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có năng lượng khẩu phần vượt trên mức nhu cầu khuyến nghị là 18,7%. Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ xơ vữa và thuyên tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh tăng huyết áp.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần tăng cường chế độ ăn bổ sung rau xanh (đạt khoảng 400 gr/người/ngày); giảm tiêm thụ muối (không quá 5 gr/người/ngày)... thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát cân nặng giúp phòng bệnh không lây nhiễm.
Bình luận (0)