Nhiều lần “lỗi hẹn”
Dự án Khu B - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó nhà nước sở hữu 40% vốn - do Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An làm đại diện, góp vốn bằng chi phí bồi thường mặt bằng, lợi thế vị trí địa lý, thương hiệu của bệnh viện... Dự án khởi động từ năm 2013 với tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng và được kỳ vọng sẽ giảm tải cho Khu A - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân Bắc Trung bộ.
Khu B Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An còn nhiều hạng mục lắp đặt chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng, trong khi Khu A đang quá tải |
K.Hoan |
Năm 2015, Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An được thành lập với số vốn điều lệ 260 tỉ đồng. Trong đó, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An được xác định góp 104 tỉ đồng (tương đương 40% vốn điều lệ), Công ty Coctec HealthCare góp 132,6 tỉ đồng và Cotec Group góp 23,4 tỉ đồng. Số vốn còn lại để xây dựng bệnh viện (hơn 1.000 tỉ đồng) thì Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phải vay ngân hàng.
Dự án này có quy mô 600 giường bệnh, nằm kề bên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và được nối liên thông bằng cầu vượt. Theo đề án được phê duyệt lần đầu, đến quý 2/2018, bệnh viện sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến tháng 5.2018, dự án phải gia hạn tiến độ và chủ dự án lại đặt mục tiêu vận hành vào quý 1/2019.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo UBND và các sở, ngành tỉnh Nghệ An thời điểm tháng 10.2019, lãnh đạo Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An lại cam kết đến cuối tháng 2.2019, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa xong.
Về lý do chậm trễ, đại diện chủ đầu tư cho rằng do khó khăn trong việc hoàn thiện pháp lý dự án nên bị ngân hàng ngưng giải ngân vốn, dẫn tới tiến độ thi công chậm so với kế hoạch. Chính vì thời gian thi công kéo dài dẫn tới các chi phí về lãi vay ngân hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Với số vốn vay ngân hàng hơn 1.000 tỉ đồng, mỗi tháng dự án này phải gánh lãi suất gần 10 tỉ.
Từ tháng 9.2017 - 10.2018, công ty đã tuyển 44 bác sĩ, 170 điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh để chuẩn bị nhân sự cho bệnh viện hoạt động. Nhưng đến cuối năm 2018, do khó khăn về tài chính, công ty liên tục nợ lương khiến nhiều người đã được tuyển dụng phải nghỉ việc.
Trong khi bệnh viện này liên tục thất hẹn về tiến độ, thì nhiều khoa ở khu A Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ở hành lang.
Sẽ có phương án mạnh nếu còn chậm trễ
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết chủ đầu tư bệnh viện này gồm 3 cổ đông, và mới đây đã được cơ cấu lại cổ đông. Sau cơ cấu, dự án đã tái khởi động và nếu còn tiếp tục chậm trễ, Sở sẽ có phương án mạnh đối với nhà đầu tư.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An mới đây, đại diện chủ đầu tư cho biết đến nay các hạng mục xây dựng đã hoàn thành 72%; hạng mục thiết bị đã mua sắm đạt 42%, số vốn còn lại chưa thực hiện là gần 414,5 tỉ đồng; đồng thời cam kết đến tháng 4.2023 sẽ đưa bệnh viện vào hoạt động, với quy mô trước mắt là 350 giường bệnh.
Mô hình bệnh viện công - tư lần đầu tiên được áp dụng tại Nghệ An đang khiến nhiều người lo ngại về tính hiệu quả và tính pháp lý của nó khi việc thực hiện mô hình tương tự ở một số địa phương cũng đang gặp khó khăn. Cơ sở pháp lý của dự án này căn cứ vào Nghị quyết 93 năm 2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, trong đó cho phép các cơ sở khám chữa bệnh công liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư để xây dựng, thành lập mới cơ sở khám chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc hợp tác công - tư trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành bệnh viện không còn phù hợp với các quy định hiện hành, cần phải xác định lại mô hình hoạt động.
Về vấn đề này, ông Dương Đình Chỉnh cho biết Sở Y tế Nghệ An đã giao chủ đầu tư soạn thảo cơ chế hoạt động của bệnh viện trình lên Sở thẩm định, tham mưu UBND tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định.
Bình luận (0)