Bệnh nhân Covid-19 từng 3 lần ngưng tim sau cai ECMO đang có diễn biến khả quan

Liên Châu
Liên Châu
11/04/2020 17:04 GMT+7

Tại hội nghị tập huấn trực tuyến điều trị ca bệnh covid-19 được Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 11.4, các chuyên gia đã cập nhật về tình hình điều trị các bệnh nhân nặng.

Việt Nam liên tục cập nhật, sửa đổi phác đồ điều trị Covid-19

Tại hội nghị, nhiều ý kiến nhận định, SARS-CoV-2 gây bệnh Covid -19 là virus mới nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tức là chưa có loại thuốc nào uống vào có thể lập tức chữa khỏi được bệnh này.
Trong quá trình thế giới thử nghiệm, nghiên cứu, phác đồ điều trị Covid-19 của Việt Nam liên tục cập nhật, sửa đổi cho phù hợp.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, những loại thuốc mà các nước phát triển thử nghiệm để hỗ trợ điều trị Covid-19 đều đã được Bộ Y tế dự trữ đủ, đáp ứng từ 430.000 đến 10 triệu liều khi cần sử dụng. Nước ta cũng đã hạn chế xuất khẩu những loại dược phẩm liên quan đến điều trị Covid-19.
Thông tin từ Hội đồng chuyên môn, tư vấn điều trị bệnh nhân Covid-19, đã có 144/257 bệnh nhân nhiễm bệnh được công bố khỏi bệnh. Hiện còn 113 bệnh nhân đang điều trị tại 16 cơ sở khám chữa bệnh.
Đáng lưu ý, trong các ca bệnh nặng, có bệnh nhân thứ 19 đã 3 lần ngưng tim sau cai ECMO (tim phổi nhân tạo), tuy nhiên đều được cấp cứu rất kịp thời, theo dõi sát sao, nên hiện bệnh nhân đang có diễn biến khả quan hơn.
Bệnh nhân 19 lúc đầu nhập viện không có triệu chứng đặc biệt. Tuy nhiên, triệu chứng nặng đã bùng lên sau 5 - 6 ngày nhập viện.
Với bệnh nhân 91 hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phải thực hiện ECMO, diễn biến rất nặng do tình trạng đông máu, khó khăn trong quá trình lọc máu điều trị.

Cập nhật chiều 11.4: Công bố bệnh nhân Covid-19 thứ 258

Giãn cách xã hội, cách ly, đeo khẩu trang và rửa tay là "vắc xin" phòng Covid-19

Với công tác chống dịch Covid-19 trong các bệnh viện, PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thêm: “Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như chiến lược, sách lược trong điều trị. Chúng ta phải chia kíp trực trong bệnh viện, các kíp cách nhau từ 7 đến 14 ngày.
Nếu không may, kíp thứ nhất bị nhiễm, hoặc tiếp xúc gần người bệnh dương tính thì cách ly kíp đó và huy động kíp sau tiếp tục. Làm như vậy để luôn luôn có đủ nguồn nhân lực để làm việc, tránh tình trạng như vừa rồi, có ca dương tính là toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa”.
GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho rằng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân thì cần khống chế số mắc thật thấp, ít bệnh nhân sẽ được tập trung các điều kiện tối ưu về nhân lực và thiết bị, theo dõi cấp cứu kịp thời nhất. Vừa qua, hệ thống y tế dự phòng đã làm rất tốt, số bệnh nhân Covid-19 được kiểm soát, tránh cho bệnh viện bị quá tải, nhờ đó các bác sĩ tập trung tối đa điều trị ca bệnh.
PGS Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm Phản ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế), cho rằng: “Trong cộng đồng, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân hợp tác thực hiện giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội, cách ly, đeo khẩu trang và rửa tay là "vắc xin" trong phòng bệnh Covid 19. Không có biện pháp nào tốt hơn. Mỗi người cần có ý thức tuân thủ để kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, giảm các ca mắc mới ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.