Theo thống kê của nhiều nước, tỷ lệ bệnh chiếm khoảng từ 0,3 - 1,5% dân số. Bệnh thường phát sinh ở lứa tuổi trẻ, phần lớn trong độ tuổi 15 - 35 (48% khởi phát ở lứa tuổi 20 - 29).
Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác và cảm xúc, dẫn đến những rối loạn cơ bản về tâm lý và nhân cách theo kiểu phân liệt, nghĩa là mất dần tính hài hòa, thống nhất, gây ra chia cắt trong các mặt hoạt động tâm thần.
48% bệnh nhân tâm thần phân liệt khởi phát ở lứa tuổi 20 - 29 |
Tâm thần phân liệt được coi như một bệnh mạn tính làm cho người bệnh mất đi hoặc suy yếu những khả năng sinh hoạt như: suy nghĩ, học hỏi, giao tiếp xã hội, làm việc, tình cảm, duy trì các mối quan hệ.
Theo Bệnh viện (BV) Tâm thần Hà Nội, đa số bệnh nhân tâm thần có thể điều trị ngoại trú, chỉ nằm viện trong giai đoạn cấp. Sự thành công trong điều trị và phục hồi chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.
Để hỗ trợ hiệu quả người mắc tâm thần phân liệt, gia đình và người xung quanh cần bình tĩnh, kiên nhẫn chia sẻ, tạo cho người bệnh có cảm giác được tôn trọng; để cho người bệnh nói và kể về những điều phiền toái.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mạn tính và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 20 triệu người trên toàn thế giới (theo số liệu đăng trên chuyên san y khoa The Lancet, năm 2018).
Tâm thần phân liệt được biểu thị, xác định bởi những sai lệch trong suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, ngôn ngữ, ý thức về bản thân và hành vi. Những biểu hiện phổ biến bao gồm: ảo giác (nghe thấy giọng nói hoặc nhìn thấy những thứ không có ở đó) và hoang tưởng (những niềm tin mặc định, sai lầm).
Những người bị tâm thần phân liệt có nguy cơ chết sớm cao gấp 2 - 3 lần so với dân số chung (theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Annual Review of Clinical Psychology, 2014).
WHO lưu ý: Kỳ thị, phân biệt đối xử và vi phạm quyền con người của người bệnh tâm thần phân liệt là tình trạng phổ biến. Bệnh tâm thần phân liệt có thể điều trị được bằng thuốc và hỗ trợ tâm lý xã hội.Phương An
Việc hỗ trợ cần lưu ý những điều sau: đừng tranh luận với người mắc tâm thần phân liệt; đừng để đám đông tụ tập xung quanh bệnh nhân; đừng hỏi quá lâu, vì có thể gây kích thích bệnh nhân.
Người mắc tâm thần phân liệt cần phải điều trị thuốc lâu dài và quá trình này cần được theo dõi các tác dụng phụ của thuốc như: khô miệng, táo bón, co cứng cơ, mất thăng bằng, tiếng nói không bình thường, lờ đờ, chậm chạp...
Lãnh đạo BV Tâm thần Hà Nội cho biết BV duy trì những chương trình phục hồi khả năng sinh hoạt cho người bệnh. Một trong những phục hồi quan trọng là biết tự chăm sóc bản thân, biết cách ăn uống lành mạnh hợp với tình trạng sức khỏe, biết cách nấu ăn, mua sắm, giữ gìn vệ sinh thân thể, thu xếp nơi ở; biết cách giao tiếp và đối thoại với người khác, có khả năng thích nghi và đối phó với những khó khăn hằng ngày…
Những chương trình phục hồi khả năng sinh hoạt cho người bệnh là một phần trong kế hoạch trị liệu cho người bệnh tâm thần phân liệt sau khi họ đã tương đối ổn định. Đồng thời, các bác sĩ duy trì việc thảo luận, cập nhật các liệu pháp và thuốc mới trong điều trị tâm thần phân liệt.
Bình luận (0)